Ngày 19/1, THX tuyên bố những lời
cảnh báo ngầm của Mỹ rằng Bắc Kinh không được thách thức quyền kiểm soát của
Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp đã khuyến khích chính phủ "thiên hữu nguy
hiểm" ở Tokyo và "phản bội" lại cam kết giữ lập trường trung lập của Washington
về vấn đề này.
Trước đó vào hôm 18/1, phát biểu trong cuộc họp báo
chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ
Hillary Clinton khẳng định Mỹ phản đối "bất cứ hành động đơn phương nào" nhằm
phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), dù không đề
cập trực tiếp đến Bắc Kinh.
Phản ứng trước động thái trên, THX đã đăng
bài bình luận chỉ trích lập trường của Washington, cho rằng nó "tạo ra hoài nghi
về sự đáng tin (của Mỹ) với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm trong khu
vực".
Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản trong cuộc họp báo chung ngày 18/1. Ảnh: Newsday |
Theo hãng tin chính thức Trung Quốc, Washington đã "không khôn
ngoan khi bày tỏ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp đảo với Bắc Kinh và hành động
thiếu công bằng này đã phản bội ý định tuyên bố trước đây là giữ lập trường
trung lập".
THX viết, cam kết của Mỹ về "một liên minh quân sự chặt chẽ
hơn với Nhật Bản sẽ chỉ khuyến khích xu hướng thiên hữu nguy hiểm của
Tokyo".
Trung Quốc thường xuyên chỉ trích lập trường của Mỹ và việc Bắc
Kinh điều tàu hải giám đến khu vực quần đảo Senkaku, có tiềm năng giàu khí đốt,
được nhiều chuyên gia nhìn nhận là cách để phủ nhận khái niệm Nhật Bản kiểm soát
có hiệu lực quần đảo này.
Ở một tin tức khác liên quan, 3 tàu
chính phủ Trung Quốc hôm thứ bảy đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư. Theo lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật, các tàu này đã ở trong
khu vực gần 5 giờ đồng hồ.
Senkaku (theo cách gọi của Nhật) nằm dưới sự
quản lý của Tokyo nhưng Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền và gọi quần đảo này
là Điếu Ngư.
- Thái An - Theo Vietnam+