- Các điều khoản của Hiến pháp đều phải có nội hàm rõ ràng, đều có khả
năng “luật hóa” và đều phải luật hóa. Vì vậy, đương nhiên cần bỏ ra khỏi
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi những điều khoản, những khái niệm chưa xác
định được nội hàm
chính xác, chưa thể hoặc không thể “luật hóa” - chuyên gia Bùi Đức Lại viết.
1- Theo nghị quyết của Quốc hội, hiện nay việc góp ý kiến sửa Hiến pháp 1992 đang được khởi động. Sửa Hiến pháp - một việc hệ trọng của đất nước được ban lãnh đạo cao cấp và các cơ quan tham mưu bỏ nhiều công sức chuẩn bị từ sớm, nhưng có vẻ như chưa thu hút được sự chú ý thực sự xứng tầm của xã hội. Không phải chỉ vì vào thời điểm hiện nay xã hội phải đối mặt và bận lòng với những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” bức xúc hơn, như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước bị đe dọa, suy thoái và tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, mức sống giảm sút, tệ nạn phát triển… Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là tâm trạng chưa tin vào hiệu quả góp ý kiến xây dựng Hiến pháp. Đất nước đang đứng trước nhiều vấn đề trọng đại, trong đó có những vấn đề mà thực tiễn những năm qua (và phần nào sự phát triển của nhân thức lý luận) đã tạo ra những tiền đề để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, hoặc ít ra tổ chức nghiên cứu, trao đổi nghiêm túc, khoa học và thiết thực.
Sửa đổi Hiến pháp lần này chính là một cơ hội như vậy. Tiếc rằng, có nhiều nguyên nhân khiến người ta vẫn dè dặt, thậm chí muốn né tránh một số chủ đề được cho là “nhạy cảm”, một số luận điểm tưởng như thuộc diện “miễn bàn”, đúng sai đâu chưa biết, chẳng những không được nghe mà có khi còn mang vạ. Nếu không khắc phục điều này thì việc tổ chức lấy ý kiến sẽ không thể có hiệu quả.
Hiến pháp 1992 đã có những điều khoản về việc trưng cầu ý dân (Khoản 14 Điều 84 về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, Điều 53 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Như vậy, đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi - văn bản xứng đáng nhất để được đưa ra trưng cầu ý dân. Thực hiện trưng cầu ý dân chắc chắn mang lại hiệu quả tích cực rõ rệt về nhiều mặt, mà cái có thể thấy ngay được chất lượng dự thảo sẽ tốt hơn, thu hút được nhiều hơn trí tuệ xã hội. Đương nhiên, đưa ra trưng cầu ý dân Dự thảo Hiến pháp sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề cho ban lãnh đạo và ban dự thảo, nhưng đây là việc đáng làm vì lợi ích to lớn có thể thu được, kể cả vì sự đồng thuận cao của xã hội đối với Hiến pháp mới. Đảng lãnh đạo đã có kinh nghiệm tốt xử lý tình huống tương tự khi năm 1985-1986 đã kiên quyết thay hẳn bản dự thảo báo cáo chính trị đã được chuẩn bị để đưa ra Báo cáo chính trị tại Đại hội VI, phù hợp với thực tiễn, được đồng tình cao, thu hút được trí tuệ của toàn dân, toàn Đảng, chính thức khai mở thời kỳ đổi mới của đất nước.
Nếu có những lý do xác đáng để không thực hiện trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi mà chỉ thực hiện lấy ý kiến như hiện nay, thì ban lãnh đạo cần có những biện pháp thiết thực để “giải phóng tư tưởng” xã hội, góp phần giảm đi những kiêng dè và ngờ vực, tạo ra niềm tin về thiện ý và sự chân thành của mình. Không chỉ với những lời lẽ chung chung như “không có cấm kỵ góp ý sửa đổi Hiến pháp” mà bằng hành động thực tế. Ví dụ khuyến khích báo chí đăng tải và tổ chức thảo luận công khai những ý kiến khác nhau về Dự thảo Hiến pháp, kể cả những “nội dung nhạy cảm”, trong đó lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, các quan điểm và nhận thức có dịp đối sánh, bổ sung, điều chỉnh nhau, trước khi có quyết định cuối cùng theo thủ tục lập hiến.
2- Về hình thức Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Bản Dự thảo đã có những mặt tích cực, đã phản ảnh được một phần thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Góp một số ý kiến sau đây về hình thức Dự thảo - vốn dĩ là vấn đề kỹ thuật lập pháp - điều mà các thành viên Ban soạn thảo rất thành thạo- xuất phát từ suy nghĩ rằng đây không còn là vấn đề kỹ thuật lập pháp nữa.
- Dự thảo Hiến pháp là văn kiện pháp lý cơ bản, là luật cơ bản của đất nước. Vì vậy cần lược bớt, có thể thì bỏ hẳn, những nội dung, lời lẽ khác không trực tiếp liên quan đến tính chất đó (những lời lẽ tuyên ngôn, cam kết, thiện ý, mô tả, giãi bày..). Cũng cần hết sức hạn chế khi đề cập những vấn đề không trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và luật pháp.
- Hiến pháp với tính chất khế ước, là cam kết chung, ràng buộc đối với mọi thành viên xã hội (công dân, tổ chức, kể cả nhà nước), mà vấn đề trung tâm là quan hệ giữa công dân và nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân không phải là do nhà nước định ra, sang nhượng hoặc ban phát mà ngược lại, quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước là do nhân dân ủy thác. Tinh thần này phần nào đã được thể hiện trong Dự thảo, nhưng còn nhiều điều khoản, nhiều ý mà nội dung và văn phong vẫn chưa thoát khỏi quan niệm cũ đặt nhà nước ở vị trí cao hơn giao quyền cho dân kèm theo những dự phòng về chế tài hạn chế quyền đó khi nhà nước muốn. Những điều như vậy cần được sửa đổi, biên tập lại. Chỉ cần quán triệt và thống nhất nhận thức đúng vấn đề thì việc sửa đổi, biên tập lại hoàn toàn trong tầm xử lý của Ban soạn thảo.
- Hiến pháp là luật cơ bản, là luật mẹ. Vì vậy:
* Các bộ luật, luật, các quy phạm luật pháp khác đều mang tính chất cụ thể hóa Hiến pháp, không được trái mà còn phải xuất phát tinh thần và lời văn của Hiến pháp. Trong một số không ít điều khoản của Dự thảo, vẫn kèm một câu “thòng” “theo luật định” là thừa. Bởi vì hầu hết - nếu không phải tất cả mọi điều khoản của Hiến pháp - trước sau đều phải được cụ thể hóa bằng luật. Vậy nói “theo luật định” không những thừa, mà còn có hại, vô hình trung hạ thấp vị trí của Hiến pháp và dễ bị lạm dụng, làm sai tinh thần cơ bản của Hiến pháp.
* Các điều khoản của Hiến pháp đều phải có nội hàm rõ ràng, đều có khả năng “luật hóa” và đều phải luật hóa. Vì vậy, đương nhiên cần bỏ ra khỏi Dự thảo những điều khoản, những khái niệm chưa xác định được nội hàm chính xác, chưa thể hoặc không thể “luật hóa”. Mặt khác các điều khoản phải đảm bảo tính nhất quán, giữa chúng không có mâu thuẫn nội tại, ít ra là trên phương diện logic hình thức.
3- Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 trên lãnh thổ Việt Nam đã tùng có nhiều bản hiến pháp. Có nhiều hiến pháp, có nguyên nhân lịch sử khách quan, cũng có những nguyên nhân chủ quan, nhưng nhìn chung không phải là điều hay. Hiến pháp 1946 đầy sức sống và tiềm năng khai mở nhưng không có điều kiện thực hiện. Hiến pháp 1980 chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm cũ về chủ nghĩa xã hội và tư tưởng chủ quan duy ý chí không phù hợp với thực tế và đã bị phủ định. Dự thảo đánh giá chung “ Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước” là không sát đúng. Vấn đề không phải là phê phán cái đã qua mà là từ đó rút ra bài học cho hiện tại và ngăn ngừa lặp lại cái sai cũ.
Ai cũng biết rằng giá trị một bản hiến pháp cuối cùng nằm ở chỗ nó đáp ứng được các yêu cầu cuộc sống hiện thực, có khả năng thực thi trong tính chất toàn vẹn của nó, từ đó giải phóng các tiềm năng, tạo ra chất lượng phát triển mới cho đất nước.
Sửa Hiến pháp trước hết phải minh định thật rõ ràng đất nước đang ở giai đoạn nào của sự phát triển. Đảng cầm quyền đã nêu trong Cương lĩnh, nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hãy tạm bỏ qua những điều chưa rõ, những ý kiến còn khác nhau về “chủ nghĩa xã hội”, để có thể thống nhất một điều với phát biểu của nhiều vị lãnh đạo là thời kỳ quá độ sẽ kéo dài năm bảy chục năm. Hiến pháp sửa đổi phải phù hợp và đáp ứng những vấn đề hiện thực về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước trong năm bảy chục năm quá độ đó, chứ không phải là đất nước xã hội chủ nghĩa theo một mô hình còn đang tìm kiếm.
Dự thảo có những điều đã thể hiện tinh thần đó. Ví dụ như các Điều 53, 54, 55 đã bỏ nội dung “sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” nêu trong Hiến pháp 1992. Nhưng còn những điều vẫn chưa thoát khỏi cách tiếp cận duy ý chí. Ví dụ như vấn đề đất đai và ruộng đất. Luật và hàng mấy trăm văn bản quy phạm luật pháp trong vấn đề này trong thời gian qua đã làm sơ sở cho việc thực hiện các hành vi mang lại hệ lụy nặng nề về chính trị, kinh tế, xã hội cho đất nước (trong đó có tham nhũng và phần lớn các khiếu kiện, xung đột quyền lợi hiện nay). Tất cả các quy phạm luật pháp đó vẫn nằm trong tinh thần và lời văn của các điều khoản có liên quan trong Hiến pháp 1992. Vậy liệu có căn cứ gì để Hiến pháp tiếp tục “kiên trì” những điều đó như thể hiện trong Điều 57, 58 của Dự thảo?
Thông qua bản Hiến pháp 1946, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hình mẫu về cách xây dựng và nội dung của hiến pháp của Việt Nam thời kỳ quá độ. Bản Hiến pháp đó dù còn những thiếu sót và điều kiện lịch sử trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi lớn, nhưng những giá trị tinh thần cơ bản của nó vẫn rất sống động và thiết thực, có sức hấp dẫn, khai mở mạnh mẽ. Rất nhiều trong số những giá trị đó không chỉ nên học tập mà có thể và nên dựa vào để sửa Hiến pháp. Sau những thăng trầm và những bước đi quanh co, xét về bản chất và trên những nét cơ bản, đất nước có lẽ vẫn rất gần với điểm xuất phát khi đó.
Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương)
Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn