- Gọi đề xuất "luật hóa" thưởng Tết bằng quy định trả 15 tháng lương là "ngồi trên trời nghĩ chính sách", nhiều độc giả đề xuất nữ Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) hãy thử xuống làm tổng giám đốc DN để hiểu hệ lụy.
Lương chưa đủ, nói gì thưởng
Nhiều độc giả chia sẻ về thực trạng lương, thưởng ở cơ quan mình. Đa số đều phàn nàn tình cảnh kinh tế suy thoái tác động đến thu nhập hàng tháng, chỉ mong lĩnh đủ lương và có việc làm, nói gì đến thưởng.
Thời buổi khó khăn, người lao động mong lĩnh
đủ lương và có việc làm, nói gì đến thưởng. Ảnh: Bình Minh |
Bạn Phạm Vũ Mạnh chia sẻ, hiện bạn đang làm ở một công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật có tiếng ở Thủ đô. Vài năm gần đây kinh tế đi xuống, công ty không trả lương hàng tháng mà chuyển sang cơ chế khoán triệt để.
Theo bạn Mạnh, quy định chung là
làm được bao nhiêu sản phẩm thì người lao động sẽ được hưởng phần trăm từ công
trình đó. Nhưng số phần trăm trả cho người trực tiếp tham gia lại quá thấp. Cuối
năm tính ra thu nhập của cả xí nghiệp đều âm chỉ trừ các lãnh đạo.
"Thú thật, lương thì từ tháng 9 đến giờ không có một đồng, anh em lao động sống vất vả rồi cuối năm ôm cục nợ to đùng, nói gì đến thưởng", bạn Mạnh cho hay.
Bạn Hồ Thành ở địa chỉ phuthanh1966@... nói, có làm chủ DN thời giảm phát mới thấy hết mọi khó khăn.
"Kinh tế thì sa sút, để duy trì được sản xuất không thua lỗ và lo đủ lương thưởng, phụ cấp cho người lao động hàng tháng đã là tốt rồi. Thưởng Tết là do DN cân đối các khoản để khích lệ cho người lao động. Nếu DN thua lỗ mà luật vẫn buộc phải trả thưởng bằng 3 tháng lương thì càng khiến DN rơi sâu thêm vào khó khăn. DN nào cũng muốn đội ngũ lao động ổn định. Dù có khó đến đâu chúng tôi vẫn phải trích thưởng Tết theo khả năng chi trả. Khi khó khăn qua đi, DN làm ăn có lãi thì lúc đó chuyện thưởng bao nhiêu sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Vì vậy, không nên ra quy chế bắt buộc DN phải trả 15 tháng lương mà nên để chúng tôi được tự cân đối", bạn Thành đề đạt.
Còn theo độc giả thnam24@..., tác giả của ý tưởng nói trên có lẽ chưa kinh qua công việc ở các DN nên mới có lối tư duy DN cũng là một bầu sữa mẹ (giống như ngân sách nhà nước).
"Không biết đồng chí có biết năm 2012 vừa qua có tới mấy chục ngàn DN phá sản hay không, hiện nay có mấy triệu nhân công thất nghiệp", độc giả này viết.
Hay ho nhưng không thực tế
Đa số độc giả cho rằng đề xuất trên nghe có vẻ hay ho và có lợi cho người lao động song lại không khả thi, không phù hợp với kinh tế thị trường. Vì vậy, mong người làm chính sách nên hiểu đúng khái niệm "lương", "thưởng" để có ứng xử hợp lý. Nếu "luật hóa" chuyện thưởng Tết như đề xuất của nữ Viện trưởng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bạn dung.nguyen@... phân tích, vào thời điểm kinh tế khó khăn, DN thua lỗ không lấy đâu ra đủ tiền trả thưởng ba tháng lương thì liệu chế tài xử phạt sẽ thế nào? Ngược lại, khi việc làm ăn suôn sẻ thuận lợi, DN muốn khích lệ người lao động bằng cách trả thưởng gấp 5, gấp 10 liệu họ có dám làm như vậy không hay lại e ngại phạm luật.
"Tốt nhất là những người làm luật nên đi tìm hiểu thực tế, chứ cứ đưa luật ra rồi lại thấy bất hợp lý", bạn dung.nguyen@ nói.
Còn theo bạn Vũ Vương, hệ lụy là DN sẽ lách luật bằng cách giảm lương với lý do là phải trả thêm thưởng Tết. Cuối cùng vẫn là người lao động chịu thiệt.
Độc giả Phan Thanh ở địa chỉ phanthanh6109@... chia sẻ, tiền thưởng Tết thực ra là từ lợi nhuận của DN. Khối công chức chỉ cần "bơm" tiền từ ngân sách còn với DN thì không đơn giản muốn tăng là tăng ngay.
Bạn Pham Van Tien (hanxin3004@...) nói rõ hơn, miếng bánh ngân sách cũng chỉ có như vậy. Nếu muốn ăn nhiều thì chỉ có cách cắt thành ít phần. "Giống như việc giải bài toán lương công chức thấp hiện nay. Chỉ cần giảm đi một nửa nhân sự là lương cao lên gấp đôi ngay", bạn Pham Van Tien hiến kế.
Độc giả Hoàng Dược Sư (dongtavn@...) kết luận, đề xuất nói trên là bằng chứng rõ ràng nhất cho căn bệnh quan liêu của những người nghiên cứu chính sách.
"Ngân sách thì dễ tăng thu nhờ tăng thuế, phí chứ còn DN thì tăng lợi nhuận kiểu gì? Ai chẳng hiểu là tăng năng suất lao động nhưng đâu phải cứ tăng mãi được. Hàng năm đã tăng mức lương tối thiểu thì về cơ bản cũng đã ép DN phải tăng năng suất rồi, các công ty sử dụng lao động nhiều như may mặc, chế biến cũng đã phải tăng ca hết cỡ rồi. Thưa đồng chí Viện trưởng, đồng chí cứ thử ngồi ghế tổng giám đốc một DN có 3.000-4.000 công nhân thì sẽ hiểu tăng từ 13 tháng lương lên 15 tháng lương có khả thi không", bạn Hoàng Dược Sư nói.
Bạn Tùng Đặng nhấn mạnh: "Muốn đề xuất gì đó như "luật hóa" liên quan đến Thưởng Tết, hãy đóng vai người chủ DN, đừng ngồi dưới bóng râm mà nghĩ là trời trưa nay không nắng lắm".
Nói như độc giả Nguyễn Cường, DN có lãi thì mới tính đến các khoản thưởng. Nếu DN làm ăn chỉ đủ hòa hoặc lợi nhuận thấp mà vẫn bắt trả thưởng Tết là trái với luật DN cũng như luật Thuế thu nhập DN. "Hãy để mọi việc được vận hành theo cơ chế thị trường", bạn Nguyễn Cường cho hay.
Ngọc Lê