- Trả lời câu hỏi về vấn đề có hay không chính sách giải cứu doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) là để bảo vệ cho "lợi ích nhóm", Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, bảo vệ lợi ích cho DN cũng là bảo vệ cho lợi ích người dân vì DN có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, đóng thuế, giải quyết việc làm…
Bảo vệ lợi ích nhóm?
Phiên giải trình của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng sáng 24/1 ghi nhận nhiều chất vấn sắc sảo của các ĐBQH. Rất nhiều ý kiến đề nghị làm rõ gói giải pháp phá băng bất động sản đưa ra để cứu ai, các DN đang mắc kẹt ở thế nợ nần và tồn kho, hay cho những người lao động bình dân chưa có nhà ở. Các ĐB cũng mong Chính phủ có thông điệp rõ ràng, minh bạch về chính sách giá cả cho người thu nhập thấp cũng như tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế QH chủ trì có nhiều chất vấn sắc sảo |
Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Nam thắc mắc, thị trường BĐS vừa qua có sự câu kết của lợi ích nhóm đẩy giá lên cao. Ông Nam yêu cầu bóc tách phần hệ quả của hoạt động đầu cơ chộp giật, đẩy giá, thậm chí là tham nhũng vì nhà nước không thể giải cứu được hết hàng tồn. Theo ông Nam, nên để thị trường tự giải quyết sẽ có lợi cho người dân hơn. Nhà nước cố sức gánh nhưng không đủ tiềm lực sẽ chỉ khiến tình hình thêm rối.
Đồng tình với nhận định về chuyện đầu cơ, Bộ trưởng Xây dựng nói, "có một thời kỳ ai đó chỉ cần mua được một căn chung cư, đem ra ngoài bán là đã lãi có tiền rồi. Chỉ đến khi tín dụng bị thắt, giá chững lại, thị trường đóng băng thì mới bị rớt giá". Nhưng trong chi phí đầu tư hiện vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ, không thể tính hết nên cơ quan quản lý chỉ dự báo, bóc tách được một phần tương đối.
ĐB Ngô Văn Minh (ủy viên Ủy ban Pháp luật QH) tiếp tục đứng lên truy: "Ai đã làm cho thị trường hiện nay đóng băng, thua lỗ mà đến nay Chính phủ phải đi giải cứu? Chỗ này phải làm cho rõ trách nhiệm. Các đồng chí đổ lỗi do phân cấp, nhưng ta đã có kinh nghiệm từ chuyện sân golf, người nước ngoài thuê rừng rồi?".
Phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình Bùi Văn Phương bình luận: "Giờ thì cứ một người gây ra, một người đi giải quyết thì rất khó, lại là chúng ta đi bảo vệ lợi ích nhóm".
Đáp lại hai câu hỏi trên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, các giải pháp đưa ra hoàn toàn vì mục đích gỡ khó cho nền kinh tế. Bởi điểm nghẽn của nền kinh tế nằm ở BĐS thì cần can thiệp để cân bằng lại cung cầu.
"ĐB Phương hỏi chính sách này là vì hay, hay vì lợi ích nhóm. Tôi xin khẳng định là vì cả nền kinh tế. Bảo vệ lợi ích của DN cũng chính là bảo vệ lợi ích của người dân. Người dân cũng được lợi, ngân hàng cũng được lợi và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Dũng nói.
Nhà đầu tư còn lãi nhiều
Gọi lượng căn hộ tồn kho hiện nay đang "chất chồng như núi", thậm chí có thể đáp ứng cho nhu cầu người dân tới tận năm 2050, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương bình luận, giải pháp đưa ra chỉ như thang thuốc đông y. Nghĩa là tác dụng sẽ đến chậm, cần điều trị kéo dài chứ chưa đủ mạnh mẽ trong khi cơ thể nền kinh tế đang suy kiệt, ốm yếu. Một số điểm nhỏ có dáng dấp mạnh mẽ của tây y như cho phép chia nhỏ căn hộ thì cũng sẽ ít tác động.
Ông Đương đặt vấn đề, nhiều DN vẫn không chịu giảm giá căn hộ, phải chăng đang trông chờ vào gói giải cứu của nhà nước.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Giá giảm song vẫn chưa phù hợp với khả năng thanh toán của dân. Nhà đầu tư còn lãi nhiều |
Ông Đương yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng đánh giá tổng thể tác động của các giải pháp, trước hết là với việc giải quyết hàng tồn kho chung cư, đất nền bỏ hoang, biệt thự liền kề mọc rêu, có thể đạt tỷ lệ giải phóng 70-80% hay chỉ 10-20% thì không đáng kể.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường có tính chất dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Để giải quyết nhanh chóng, triệt để cứu thị trường cần nguồn lực tài chính rất lớn. Các nước trên thế giới phải bỏ tiền từ quỹ dự trữ quốc gia để mua lại tồn kho BĐS sau đó bán lại, còn Việt Nam chưa đủ điều kiện thì phải tháo gỡ từng bước. Việc cơ cấu lại chung cư thương mại để chuyển thành sản phẩm bình dân thì phải tùy điều kiện cụ thể từng dự án với mục đích hướng tới nhu cầu đông đảo người dân, không làm để phục vụ nhóm ít đối tượng.
Chủ tịch tập đoàn Than - Khoáng sản Trần Xuân Hòa nêu thêm vấn đề, trong phần đóng băng của thị trường đang có một phần là vốn của nhà đầu tư nước ngoài, một phần nữa là của các nhà đầu cơ trục lợi, vậy có nên đặt vấn đề giải cứu khu vực này hay không, hay nên coi đây sẽ là một sự điều chỉnh tất yếu.
"Cung - cầu chênh lệch nhưng tại sao giá vẫn không giảm theo giá trị thực hay nhu cầu của người dân. Có ý kiến cho rằng liệu có thế lực ngầm nào mong chờ sự giải cứu này không?", ông Hòa hỏi.
Bộ trưởng Xây dựng lý giải, thị trường đóng băng ở TP.HCM và khu vực phía Nam xảy ra trước miền Bắc, từ năm 2008 đến nay, nên mức giảm giá mạnh hơn. Giá BĐS tại Hà Nội hiện giảm được ít nhất 5%, đất nền có dự án giảm tới 50% (từ 200 triệu đồng xuống 100 triệu đồng/m2), chung cư giảm 15-29%.
"Giảm như vậy song vẫn chưa phù hợp với khả năng thanh toán của dân. Nhà đầu tư còn lãi nhiều", ông Dũng thừa nhận.
Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng, không thể can thiệp quá sâu là bắt DN này kia phải bán với mức giá nào đó, mà tất cả phải để cho thị trường tự điều chỉnh. Theo ông Dũng, giá BĐS hiện nay đang dần trở về với giá trị thực.
Lê Nhung