- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của thực lực như một trong những bài học từ Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2013), đỉnh cao thắng lợi của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao.


Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam hôm nay (25/1) ở Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ca ngợi sự kiện trọng đại này như một thành tích vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Bác Hồ dạy ‘thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn’

“Việc ký kết Hiệp định Paris đã kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, chống Mỹ xâm lược”, Chủ tịch nước nói.

Các cuộc chiến trên chiến trường và trên bàn đám phán đều nhằm một mục tiêu: Buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, mở ra cục diện mới, tạo tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Paris cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris.

“Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý Đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, Chủ tịch nước khẳng định thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

“Cuộc đấu tranh ngoại giao tại hội nghị Paris là cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ. Mặt trận ngoại giao đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận quân sự trong nước, tranh thủ dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ, ủng hộ Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.

Ông Trương Tấn Sang cũng nêu bật những bài học từ thắng lợi này đối với bối cảnh đất nước, khu vực và thế giới hiện nay.

“Trước hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự, tạo sức mạnh tổng hợp”, Chủ tịch nước nói.

Thứ hai là bài học kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Thứ ba là bài học về tầm quan trọng của thực lực. “Bác Hồ dạy ‘thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn’. Thắng lợi của hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng của thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến, là sức mạnh của chính nghĩa, của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đó còn là bài học về xây dựng lực lượng cán bộ đối ngoại, trang bị cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán, được lựa chọn và tin tưởng giao nhiệm vụ. Chủ tịch nhắc nhở ngành ngoại giao tiếp tục phát huy trên mặt trận quan trọng này, góp phần phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đoàn đàm phán, những người góp phần quan trọng vào thắng lợi tại hội nghị Paris.

Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đoàn đàm phán

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và ông Lưu Văn Lợi, nguyên cố vấn pháp lý của đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa, thay mặt các thành viên hai đoàn đàm phán lên nhận danh hiệu cao quý này.

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh bài học ngoại giao trong việc thuyết phục bạn bè quốc tế dù ở nhiều đảng phái, quan điểm chính trị khác nhau, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc nhỏ để bảo vệ quyền được sống trong độc lập, tự do, hòa bình.

Bà Hélène Luc, thượng nghị sĩ danh dự Thượng viện Pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt cũng nhân dịp này chia sẻ những kỷ niệm về sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Pháp đối với hai đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng