- Một số đại biểu QH có cách đặt vấn đề và diễn đạt ý kiến rất thuyết phục, do vậy có khả năng ảnh hưởng đến các đại biểu khác - PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, đại biểu tỉnh Hòa Bình, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của QH nói về hiệu ứng tại nghị trường.

Tự điều chỉnh mình

Trên nghị trường, mấy kỳ họp vừa qua chị đã tham gia đóng góp ý kiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các luật về thuế, giá cho đến tình hình thi hành án và xử lý tội phạm… Chị có kinh nghiệm gì trong việc chuẩn bị để các ý kiến có chất lượng?

- Tất cả những ai mới tham gia vào QH đều cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ trong việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Rất ít người có thể giỏi hay có hiểu biết tốt mọi lĩnh vực. Trong khi đó QH là nơi đòi hỏi phải có sự hiểu biết rộng ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến y tế, giáo dục, văn hóa…

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, đại biểu QH tỉnh Hòa Bình
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dà, mỗi người sẽ thích nghi với công việc theo những cách riêng. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, ai cũng đều phải dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học. Rồi học hỏi kinh nghiệm của ĐBQH khóa trước, thậm chí là học thêm kiến thức ở những lĩnh vực mà mình chưa am hiểu.

Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi trở thành ĐBQH, tôi đã làm giảng viên ở trường ĐH Bách khoa, rồi công tác ở Trung ương Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên VN.

Vì vậy ngoài những vấn đề liên quan đến giáo dục, thanh niên thì với các lĩnh vực khác, để chuẩn bị ý kiến phát biểu, trước hết tôi phải dành thời gian đọc tài liệu. Nếu thấy vấn đề nào còn băn khoăn thì tôi sẽ tìm hiểu thêm từ tài liệu tham khảo, Internet, báo chí, chuyên gia… Rồi sau đó chuẩn bị bài phát biểu sao cho ngắn gọn nhưng phải đầy đủ, truyền đạt được hết mọi thông tin cần thiết, cách diễn đạt phải sáng sủa dễ hiểu và logic.

Nhìn lại các ý kiến đã tham gia ở nghị trường, chị thấy hài lòng nhất với phát biểu nào, và các phát biểu đó có để lại hiệu ứng gì hay không?

- Có một số ý kiến được ban soạn thảo tiếp thu. Những ý kiến khác cũng được giải trình làm rõ.

Ngoài ra, tôi cũng đã tham gia chất vấn các Bộ trưởng: Giáo dục, Giao thông, Xây dựng…

Những phát biểu mà tôi hài lòng nhất là về gói cứu trợ 29 nghìn tỷ, rồi luật Quản lý thuế, luật Thuế TNCN , về việc chậm thi hành án cho tử tù do chưa có nguồn thuốc độc, và chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. Những ý kiến mà tôi chuẩn bị may mắn đều được dịp nói tại hội trường hoặc họp tổ. Những ý kiến đó đã phần nào truyền tải được mong muốn của cử tri trên diễn đàn QH, một vài ý kiến của tôi đã được ban soạn thảo tiếp thu, hoặc được các bộ trưởng hứa sẽ thực hiện và đặc biệt nhận được phản hồi tích cực từ cử tri.

Các ĐBQH đã biết cách tận dụng được hết cơ hội thể hiện trên diễn đàn này chưa, thưa chị?

- Tất nhiên là có. ĐBQH đã tận dụng tối đa thời gian các phiên thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ. Nội dung phát biểu cũng ngắn gọn, súc tích, trúng vấn đề.

Hình thức tổ chức các phiên thảo luận cũng có nhiều cải tiến. Luôn có thêm phần giải trình của các bộ trưởng làm cho nhiều vấn đề khúc mắc được sáng tỏ ngay tại hội trường.

Nhiều khi cũng áp lực lắm

Nhưng nghị trường là nơi quyết định theo tập thể và cũng là diễn đàn để thuyết phục lẫn nhau. Vậy làm thế nào để ý kiến của một số ĐBQH thuyết phục được số đông?

- Ở nghị trường có một số ĐBQH có cách đặt vấn đề và diễn đạt ý kiến rất thuyết phục, do vậy có khả năng ảnh hưởng đến các ĐBQH khác.

"Ấm lòng vì thấy cử tri luôn dõi theo hoạt động của từng ĐBQH"
Chẳng hạn, một số vấn đề qua các kênh thông tin ban đầu được tiếp cận tôi có một số nhận định khác. Tuy nhiên sau khi nghe một số ĐBQH có “thâm niên” trong lĩnh vực chuyên môn đó phân tích, chứng minh thì tôi cũng bị thuyết phục. Vì vậy tôi phải tìm thêm thông tin từ một số tài liệu chuyên sâu hơn hoặc tham vấn thêm chuyên gia.

Nghị trường là nơi quyết định theo đa số. ĐBQH thể hiện chính kiến bằng cách bấm nút. Mà để bấm chính xác thì mỗi ĐBQH phải có năng lực lắng nghe, có khả năng phân tích, tổng hợp. Vì vậy các đại biểu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Gặp vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều thì các ĐBQH cần lắng nghe thêm hay còn gọi là tham vấn thêm từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Cần thiết thì đề nghị cơ quan hành pháp giải trình thêm để có cơ sở xem xét, quyết định và bấm nút chính xác và khách quan.

Chị có mong trở thành sao ở nghị trường?

- Sẽ không có ai là “sao” ở nghị trường cả bởi mỗi ĐBQH gánh trên vai nhiều trách nhiệm nặng nề lắm. Đặc biệt là trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hàng trăm nghìn cử tri. Vì vậy ý kiến của mọi ĐBQH đều được QH lắng nghe và bình đẳng như nhau thôi.

Tuy nhiên ĐBQH nào cũng mong muốn ý kiến đưa ra có thể thuyết phục được các ĐBQH khác và hơn hết là thuyết phục được cả QH quan tâm. 

Sau một phát biểu nào đó của mình được báo chí đăng tải, phân tích tôi cảm thấy rất vui. Vì qua báo chí, ý kiến của mình sẽ được đông đảo bạn đọc và cử tri hiểu thêm.

Xét trong đội ngũ các ĐBQH chuyên trách thì tôi cũng tương đối trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi thấy mình cần tiếp tục cố gắng để tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ nhiều ĐBQH khác, để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Bởi trước những đòi hỏi ngày càng cao của cử tri, bản thân tôi cũng như nhiều ĐBQH khác đôi khi cũng thấy “áp lực” lắm.

Sự động viên và đánh giá từ phía cử tri, gia đình và bạn bè là nguồn động viên vô giá. Một hôm, tôi dự hội thảo của Viện Nghiên cứu lập pháp tại Quảng Ninh, có một cựu ĐBQH đã nói với tôi “Hải phát biểu như vậy là cũng có nghiên cứu đấy”. Nhận xét của một người đã có thâm niên hoạt động QH đã làm tôi vô cùng xúc động và cảm thấy ấm lòng vì thấy rằng cử tri, đồng nghiệp và bạn bè luôn dõi theo các hoạt động của từng ĐBQH.

Điều này khiến bản thân tôi có thêm hào hứng và nhiệt huyết cho những hoạt động tiếp theo của mình tại nghị trường và tự nhủ cần phải tiếp tục cố gắng và cố gắng.

Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng