Mỹ và các đồng minh đang mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Nga có thể bắt đầu chế tạo tên lửa đánh chặn siêu thanh...

Mỹ nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu nhắm vào Triều Tiên, nước gần đây bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ để phóng thử một tên lửa tầm xa. Phân tích vụ thử này, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, loại tên lửa mới có thể chạm tới Mỹ trong ít năm tới.

Một cuộc chạy đua hạt nhân mới và gây mất ổn định vẫn đang âm thầm diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: eastasiaforum

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 17/1 cho hay, ông ngày càng lo lắng về tên lửa tầm xa mà Triều Tiên đã phóng thử tháng trước. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác thực việc Bình Nhưỡng đã có đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để phù hợp với tên lửa.

Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã mô tả vụ phóng thử là "bất hợp pháp". Với vị trí của Australia tại Hội đồng Bảo an, ông Carr và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí làm việc cùng nhau trong một phản ứng quốc tế với Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga cùng lên án động thái của Bình Nhưỡng. Nhưng họ phản đối mạnh mẽ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) do Mỹ khởi xướng. Hệ thống này được coi là một phần nỗ lực sắp xếp lại nguồn lực quân sự Mỹ hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của Mỹ, đồng minh và những quốc gia bạn bè.

Cái cớ hay sự đảm bảo?

Trung Quốc "rất quan ngại" về sự phát triển chương trình BMD do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt là hệ thống triển khai gần đây ở châu Á - Thái Bình Dương, Cố Quốc Lượng - giám đốc trung tâm Kiểm soát vũ khí và Nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân tại Viên Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết. “Điều này chắc chắn có tác động tới số lượng vũ khí hạt nhân giới hạn của Trung Quốc. Nếu Mỹ tiếp tục phát triển chương trình BMD, Trung Quốc sẽ phải có các biện pháp bảo đảm cho lượng vũ khí hạt nhân của mình".

Phần lớn các nhà phân tích châu Á và phương Tây tin rằng, Trung Quốc có 240-400 đầu đạn, nhưng chỉ có khoảng 140 ICBM (tên lửa có tầm bắn hơn 5.500km) mang đầu đạn hạt nhân. Nếu đây là ước tính chính xác, thì nó nhỏ hơn nhiều kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Cả Trung Quốc và Nga đều đang chế tạo các loại vũ khí mới để đối phó với mạng lưới BMD Mỹ nếu như minh chứng được hiệu quả vào năm 2020.

Trong trường hợp của Trung Quốc, vũ khí mới bao gồm việc phát triển loại ICBM mới, DF-41, có thể phóng từ bệ phóng di động. DF-41 ước tính có tầm bắn từ 12.000 - 15.000 km và có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có khả năng đánh trúng mục tiêu khác nhau. Nó khiến bất kỳ hệ thống BMD rất khó ngăn chặn.

Mỹ đang mở rộng hợp tác quốc phòng với hai đồng minh ở Đông Bắc Á - Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời rất có thể đưa Philippines vào mạng lưới. Mỹ và Nhật trong tháng 9 tuyên bố, họ đã nhất trí triển khai hệ thống rađa phòng thủ cảnh báo sớm, có thể ở phía nam Nhật Bản, cộng với hệ thống tương tự đã triển khai ở phía bắc nước này từ 2006.

Ngày 15/1, nội các Nhật đã thông qua đề xuất của bộ Quốc phòng về việc tăng thêm 681 triệu USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm "đối phó với môi trường an ninh đang thay đổi".

Quan chức Mỹ cũng đang xem xét các địa điểm khả năng ở Đông Nam Á, tập trung vào Philippines cho hệ thống rađa hiện đại thứ ba nhằm tạo ra một vòng cung giúp Mỹ và các đồng minh khu vực theo dõi chính xác hơn bất kỳ tên lửa đạn đạo nào phóng từ Triều Tiên hay các phần của Trung Quốc. Các hệ thống rađa có thể kết nối với các tên lửa đánh chặn di động được triển khai trên những tàu chiến Mỹ, Nhật và với các tên lửa đánh chặn trên mặt đất.

Mỹ cũng đang triển khai hệ thống tương tự tại châu Âu và Trung Đông để đối phó với tên lửa Iran. Đáp trả lại, Nga tuyên bố sẽ xây dựng thêm nhiều tên lửa mới hùng mạnh và có thể trở lại ý tưởng dùng tàu hỏa làm bệ phóng tên lửa hạt nhân thời Liên Xô. Loại tàu này trông giống tàu thông thường, nhưng có thể phóng vài tên lửa trong vòng ba phút, mỗi tên lửa mang tới 10 đầu đạn có tầm bắn 10.000km.

Bộ Quốc phòng Nga tháng trước tiết lộ, họ có thể bắt đầu chế tạo các tên lửa đánh chặn siêu thanh trong ít năm tới để phục vụ hệ thống đánh chặn của chính họ.

Một báo cáo về BMD của Lầu Năm Góc năm 2010 cho hay, mạng lưới của Mỹ có thể chặn các tên lửa tầm xa từ phía tây như Triều Tiên, chứ không thể đối phó với cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga hay Trung Quốc và nước này cũng không có ý định làm ảnh hưởng tới cân bằng chiến lược với các quốc gia này.

Rõ ràng, cả Moscow và Bắc Kinh đều không chấp thuận lời đảm bảo của Mỹ, nhưng dù sao họ có thể sử dụng kế hoạch BMD của Mỹ như một cái cớ cho những gì họ đang và sẽ làm. Một cuộc chạy đua hạt nhân mới và gây mất ổn định vẫn đang âm thầm diễn ra.

Thái An (theo Japantimes)