- Năm nay, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện thể chế và chính sách, đặc biệt là hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và đào tạo công chức.

>> 6,5 tỷ USD ODA cho Việt Nam

Tiếp nối các hoạt động của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từ năm 1996 đến nay trong việc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong năm 2012, có thêm những hoạt động trao đổi phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp, ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết tại buổi họp báo hôm nay ở Hà Nội.


Trưởng đại diện JICA: Trong năm 2013 sẽ hợp tác nhiều hơn nhằm tăng cường chức năng lập pháp của Quốc hội. Ảnh: Chung Hoàng

Tháng 7/2012, đoàn của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã thăm Nhật. Tháng 9, các học giả hàng đầu về Hiến pháp của Nhật đã sang Việt Nam trao đổi về các nguyên lý cơ bản của Hiến pháp.

"Dự kiến trong năm 2013 sẽ có các hợp tác mới nhằm tăng cường chức năng lập pháp của Quốc hội", ông Motonori cho biết.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng muốn hỗ trợ Việt Nam trong cải cách các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu.

"Vấn đề kinh doanh trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước và nợ xấu của các ngân hàng đang có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô", Trưởng đại diện JICA nói. "Nhật Bản đã tiến hành xử lý nợ xấu và tái phục hồi các doanh nghiệp sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ những năm 1990. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm này".

Những dự án này nằm trong hướng đi mới về hợp tác ODA của Nhật trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình.

"Nhật Bản nhận thấy nhiều khả năng và cơ hội hợp tác với Việt Nam trong cả ba lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam chọn là các khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh: phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện thế chế và phát triển nguồn nhân lực", ông Motonori nói.

Nhật Bản hiện là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Trong 20 năm hợp tác ODA, Nhật đã cung cấp cho Việt Nam tổng cộng 1915 tỷ yên (khoảng 21 tỷ USD).

ODA của Nhật được sử dụng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nổi bật là cầu Nhật Tân ở Hà Nội, nhà ga số 2 sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến đường sắt nội đô ở Hà Nội và TP.HCM...; các dự án hợp tác kỹ thuật và đào tạo nhân lực; và các dự án cải thiện thể chế và chính sách nói trên.

Việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam là nước ngoài đầu tiên ông đến thăm sau khi nhậm chức là dấu hiệu quan trọng về sự coi trọng của Nhật Bản đối với quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ông Motonori nhận định.

Chung Hoàng