- Ngày 30/1, tại TP.HCM, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chức sắc, nhà tu hành của một số tổ chức tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có sự đổi mới tích cực. Điều 25 đã thể hiện được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, Nhà nước cần phải nhìn nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo.

Không pháp nhân làm sao mua nhà?

Điều 25 khoản 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi rõ “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.

Các chức sắc, nhà tu hành của các tổ chức tôn giáo tham gia góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Tá Lâm

 

Linh mục Phạm Thanh Liêm - Giáo tỉnh Dòng Tên đề nghị thêm nội dung "Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước công nhận có tư cách pháp nhân" vào điều khoản này. Linh mục Liêm cho rằng, các tổ chức tôn giáo cần được hưởng quyền tự do và nghĩa vụ tham gia vào các dịch vụ và giao dịch dân sự như một pháp nhân bình thường. Bởi vì, một khi không được Nhà nước nhìn nhận như thế, các tổ chức tôn giáo không thể có quyền làm nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

“Nói khác đi, một khi không thể tồn tại như một pháp nhân thì mục đích thực hành tôn giáo như ăn ở, sinh hoạt… khó mà đạt được. Ví dụ, có những người muốn đi tu nhưng cơ sở vật chất hiện có trong nhà dòng và trong nhà chùa không đủ chỗ cho họ. Nhu cầu cần một nơi ở cho họ nảy sinh, tuy nhiên khi muốn mua nhà không được vì không có tư cách pháp nhân. Một nhà dòng hay là một nhà chùa không thể đứng tên sở hữu nhà mà phải nhờ một người khác đứng tên. Hệ quả là thủ tục phức tạp, tốn kém và đối diện nguy cơ mất nhà”, linh mục Liêm nói.

Vị linh mục khẳng định, với tư tưởng tiến bộ hiện nay Nhà nước có thể đứng ra tháo gỡ khúc mắc này và quy định tư cách pháp nhân cho các cơ sở tôn giáo.

“Một quy định như thế vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vừa khẳng định tính khả thi của những quy định trong Hiến pháp", linh mục Liêm nói.

Đồng tình với đề xuất này, ông Thích Huệ Thông (tỉnh An Giang) cho rằng, khi các tổ chức tôn giáo có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thực hiện quyền dân sự của mình theo quy định của pháp luật, các tổ chức tôn giáo sẽ an tâm và có điều kiện đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đề xuất Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư

Không chỉ góp ý về các vấn đề tôn giáo, nhiều đại biểu cũng thảo luận, góp ý kiến về những vấn đề lớn của đất nước hiện nay.

Thượng tọa Huệ Thông - Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết, điều 8 khoản 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu rõ "Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Thượng tọa Huệ Thông đề nghị, thêm vào nội dung “Chống chủ nghĩa cá nhân, chống hiện tượng tạo ra bè cánh, lợi ích nhóm trong bộ máy Nhà nước” vào điều khoản này. Đồng thời, ông cũng đề xuất thêm vào một khoản mới là “Tài sản của cán bộ, công chức do vi phạm mà có đều phải tịch thu sung vào công quỹ nhà nước”.

Mục sư Huỳnh Huyền Vũ - Phó tổng Trưởng nhiệm Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc Việt Nam đề xuất, trong chương 6 về Chủ tịch nước nên chăng để Chủ tịch nước kiêm luôn chức Tổng bí thư.

"Quyền của Chủ tịch nước nên rộng hơn để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước" - mục sư Vũ nói.  

Tá Lâm

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn