- Câu chuyện đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những vấn đề “cốt tử” được bàn tại hội thảo “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta” sáng nay (31/1) ở Hà Nội.
>> Chỉnh đốn Đảng không là việc dễ dàng
>> Nguyên Tổng bí thư: Bệnh đã chẩn, ai uống thuốc trước tiên?
>> Luật về Đảng và tính tự chịu trách nhiệm của Chính phủ
Không lực lượng nào phản biện đủ mạnh
Một trong những vấn đề được xem là “cốt tử” được bàn tại hội thảo là câu chuyện đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nói như PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, hiện Đảng cũng đang gặp khó khăn, thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ lộng quyền, lạm quyền, coi thường pháp luật. Đảng cũng đã coi trọng và tích cực khắc phục để loại trừ tình trạng này bằng nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát.
PGS.TS Trần Khắc Việt: Càng xuống dưới cơ sở thì tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay việc của chính quyền càng thể hiện rõ |
PGS.TS Mạch Quang Thắng cũng từ Học viện bổ sung thêm, do đặc trưng “duy nhất” đó nên dẫn đến một nguy cơ: không có lực lượng nào phản biện với tư cách một tổ chức chính trị đủ mạnh.
Ông Thắng phân tích, dùng Mặt trận để phản biện là cần thiết song chưa có cơ chế nào cho toàn thể nhân dân phản biện. Không có sự phản biện, sự cạnh tranh, Đảng dễ chủ quan, duy ý chí. Đường lối chính trị dễ bị sai lầm, hành động độc đoán, chuyên quyền, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, không bảo đảm và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, quan điểm, đường lối của Đảng ít được cọ xát.
Sau khi trích dẫn văn kiện Đại hội Đảng về nguy cơ thoái hóa, biến chất trong đội ngũ, ông Thắng phân tích, các cảnh báo đó phản ánh tình hình thực trạng nguy hiểm cho Đảng.
“Chỉ những người có chức có quyền, những cán bộ, công chức nắm trong tay quyền, tiền, của cải thì mới có khả năng tham nhũng. Mà tuyệt đại đa số trong đó là đảng viên”, ông Thắng kết luận.
Theo TS Mạch Quang Thắng, sự suy yếu đó còn biểu hiện ở chỗ lòng tin của nhân dân với Đảng đã bị suy giảm.
PGS.TS Trần Khắc Việt (Học viện Xây dựng Đảng) phân tích, hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan nhà nước chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Việc xử lý các sai phạm của cán bộ, công chức chưa thật kiên quyết, nghiêm minh. “Phương thức lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ chậm đổi mới, quy trình phức tạp nhưng vẫn để lọt cán bộ không thật sự xứng đáng tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của cơ quan nhà nước”, ông Việt cho hay.
Cũng theo ông Việt, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi. Càng xuống dưới cơ sở thì tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay việc của chính quyền càng thể hiện rõ. Còn nhiều trường hợp cấp ủy can thiệp sâu vào hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử.
Trong tham luận công phu gửi hội thảo, GS Nguyễn Văn Huyên (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học) cảnh báo, Đảng cần xem lại cả về tâm lẫn tầm để xem liệu Đảng có đạo đức, văn minh, là trí tuệ, thiên tài.
Ông Huyên phân tích, một nguy cơ của đảng cầm quyền là dễ đi đến chuyên quyền, độc đoán. Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo. Đặc biệt, việc ít chịu học tập, rèn luyện làm không ít người có chức quyền bị tụt hậu, trì trệ. Tất cả dẫn đến hạn chế tầm tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, không theo kịp xu thế vận động, thậm chí còn bảo thủ làm kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội.
Tranh cử, cạnh tranh bình đẳng
Sau khi chỉ ra hàng loạt nguy cơ nói trên, rất nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát và giám sát quyền lực trong thể chế chính trị một đảng. Đặc biệt, cần xây dựng một cơ chế cụ thể để đảm bảo vai trò giám sát của nhân dân.
Theo TS Tống Đức Thảo (Viện Chính trị học), một trong các quyền quan trọng thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân là quyền được quyết định chọn lựa các đại diện thể hiện cho ý chí của mình, đi đôi với nó là quyền phế truất khi người được ủy quyền không thi hành đúng ý nguyện của dân chúng.
Theo ông Thảo, Đảng nên giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và để dân được quyền lựa chọn người đại diện. “Làm như thế không những Đảng nâng cao uy tín, tính chính đáng cho quyền lãnh đạo của mình mà còn tăng thêm sức mạnh cho dân để cùng tham gia xây dựng bộ máy nhà nước”, ông Thảo nhận xét.
ĐB Trần Đình Nghiêm nói rõ hơn, vấn đề kiểm tra, giám sát của Đảng cần có sự phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của QH, với MTTQ và các đoàn thể xã hội.
“Nhân dân phải được giám sát quyền lực thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực. Người dân cũng phải có quyền phản biện với Hiến pháp, pháp luật cũng như các chủ trương lớn của nhà nước và phải được quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề quốc kế dân sinh”, ông Nghiêm cho hay.
Nhân cơ hội đang sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu đề xuất xúc tiến xây dựng luật về Đảng để đảm bảo tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Lê Nhung