- Các đại sứ, các nhà tài trợ quốc tế đều mong năm 2013 sẽ là một mốc son trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Anh (DFID) Fiona Lappin:
2013 - mốc son chống tham nhũng

Tôi hết sức chia sẻ sự quan tâm và tâm trạng của người dân đối với cuộc chiến chống tham nhũng, khi mà tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn rất phức tạp và mang tính hệ thống.

Bà Fiona Lappin: DFID kêu gọi Chính phủ Việt Nam áp dụng những phương cách táo bạo hơn đối phó với tham nhũng. Ảnh: DFID

DFID đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực không ngừng, song với tư cách là nhà tài trợ chính cho Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, DFID kêu gọi Chính phủ tìm kiếm và áp dụng những phương cách mới và táo bạo hơn để đối phó với tham nhũng trong năm 2013.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra chống tham nhũng không phải là một giấc mơ bất khả thi nếu có cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo. DFID luôn sẵn sàng hỗ trợ giới thiệu những cách làm này đến Việt Nam.

Trong năm 2013, Chính phủ Việt Nam có 3 cơ hội quan trọng: Một là loại bỏ xung đột về lợi ích - chấm dứt tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi - để thiết lập một thể chế đối phó tham nhũng có thẩm quyền điều tra và truy tố độc lập.

Hai là tiếp tục phát huy tính minh bạch trong mọi lĩnh vực - điều mang tính quyết định đem lại sự thay đổi hữu hình và tích cực trong đời sống của nhân dân.

Thứ ba là đảm bảo phòng, chống tham nhũng luôn là trung tâm trong tất cả các luật và chính sách, mà trước mắt là sửa luật Đất đai để làm thị trường này minh bạch hơn, theo quy luật thị trường và cải thiện đời sống nhân dân.

DFID thúc giục Chính phủ Việt Nam nắm chặt các cơ hội này để biến năm 2013 thành một mốc son trong phòng, chống tham nhũng.

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander:
Lời khuyên từ nước ít tham nhũng

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Thụy Điển, ngại ngần khi đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là tham nhũng vẫn ở mức độ đáng kể.

Bà Camilla Mellander: Tôi tin Việt Nam có nhiều tiềm năng thành công trong chống tham nhũng. Ảnh: Phong Doanh

Phòng, chống tham nhũng thực sự là một thách thức đối với Việt Nam. Tôi hy vọng năm 2013 sẽ có những tiến bộ, vì tôi tin Việt Nam có nhiều tiềm năng thành công trong lĩnh vực này.

Chính phủ Việt Nam đã làm được nhiều trong việc hoàn thiện thể chế, nhưng chỉ có quy định trên giấy tờ mà không thực thi hiệu quả trong thực tiễn thì không bao giờ có thể chống tham nhũng. Bước tiếp theo sau khi có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh là một hệ thống các giải pháp để thực hiện.

Một lời khuyên nữa từ Thụy Điển, một trong những nước ít tham nhũng nhất thế giới, là mở rộng, tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông phòng, chống tham nhũng. Bài học ở Thụy Điển là khi các nhà báo có thể tìm hiểu và đưa ra ánh sáng bất cứ dấu hiệu nhỏ nào của tham nhũng, các quan chức làm sai sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Thụy Điển đang tiếp tục cùng Đan Mạch và Hà Lan tài trợ chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra đến năm 2014” (POSCIS), kéo dài từ 2009 - 2014, hỗ trợ tăng cường năng lực cho ngành này trên ba lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Năm 2013, Việt Nam cũng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nước để nâng cao năng lực phòng, chống tham nhũng.

Đại sứ Australia Hugh Borrowman khẳng định cam kết giúp Việt Nam đối phó tham nhũng. “Tham nhũng đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm năng suất lao động, khiến các nhà đầu tư ngại ngần, cản trợ tăng trưởng và xói mòn các nguyên tắc pháp quyền", ông Borrowman nói.

Trong 3 năm (2011-2014), Chính phủ Australia tài trợ 2,8 triệu đôla Úc để đào tạo khoảng 190 quan chức cấp cao của Ủy ban Kiểm tra TƯ; 400.000 đôla Úc tăng cường sự tham gia của công dân, xã hội dân sự và doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2015.

Đại sứ Canada Deborah Chatsis thì cho biết một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước là việc ký biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) và Chính phủ Việt Nam về tăng cường năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng.

"Dự án kéo dài 5 năm, giá trị 14 triệu đôla Canada, sẽ củng cố năng lực của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giám sát các ngân hàng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế", bà Chatsis nói.

Chung Hoàng