- Về nước đầu tư, làm khoa học hay tham gia các dự án xã hội, Việt kiều còn không ít băn khoăn, nhưng cũng tràn đầy lạc quan.
>> 'Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn'
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Trưởng ban đối ngoại Hội người Việt Nam ở Ba Lan:
Những năm gần đây, số lượng kiều bào mong muốn về nước làm ăn, buôn bán có tăng. Một phần do kinh doanh ở Ba Lan khó khăn hơn vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những chính sách ngày càng thắt chặt của nước sở tại. Bà con thấy đã đến lúc quay về đất nước đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thái. Ảnh: Chung Hoàng |
Tuy vậy, tăng không nhiều. Sau một thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, theo luật pháp, cách làm, cách sinh hoạt ở nước ngoài, về nước nhiều người không khỏi bỡ ngỡ.
Không thể đòi hỏi điều kiện trong nước giống ở nước ngoài, thời gian qua Nhà nước cũng đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào, sẵn sàng điều chỉnh cơ chế, chính sách khi bà con phản ánh khó khăn. Nhưng cái khó vẫn là ở môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch, còn tham nhũng: bên cạnh những mối quan hệ phức tạp, để đạt được kết quả kinh doanh còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác ngoài chính sách chung.
Cách suy nghĩ của những người đã sống lâu ở nước ngoài cũng có nhiều điểm chênh, không khớp với những suy nghĩ của những người trong nước, gây khó khăn trong hợp tác làm ăn.
Đối với những kiều bào là trí thức muốn về nước đóng góp, không phải bằng tiền vốn, mà bằng trí tuệ, cũng không đơn giản.
Làm khoa học, trừ khi là ứng dụng thực tế rất cụ thể, không đòi hỏi vốn lớn, đều cần sự đồng bộ. Tuy nhiên, các trí thức ở Việt Nam không phải lúc nào cũng liên kết ngay được với những trí thức từ nước ngoài về vì có sự khác nhau về trang thiết bị, suy nghĩ, lương bổng, các mối quan hệ... Ngay các trí thức trong nước mà không có quan hệ thì cũng khó làm, huống gì những người đang quen một cách suy nghĩ khác.
Do vậy, nhiều trí thức đã chọn cách “chân trong, chân ngoài”, đi đi về về. Nhưng đó không hẳn là không tốt, quan trọng là mỗi trí thức lựa chọn cách nào phát huy tốt nhất năng lực, đóng góp hiệu quả nhất cho đất nước.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại CHLB Đức:
Đã mười mấy năm nay đi về để tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, bản thân tôi rất vui vì được tin tưởng làm được nhiều việc hỗ trợ cộng đồng bà con cả ở Đức và Việt Nam. Với quan hệ tốt đẹp lâu năm giữa hai nước, Việt kiều ở Đức vốn cũng có điều kiện hơn, tôi thấy không có điều gì phải than vãn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Ảnh: Minh Thăng |
Về nước làm các dự án, khó khăn là không tránh khỏi nhưng chắc không sao đâu, vì sẽ có Mặt trận, chính quyền tháo gỡ. Ai chưa làm thì sẽ nói khó và chắc sẽ nói hoài, nhưng làm cái gì mà không khó bây giờ.
Cái khó nhất theo tôi là vào cuộc, cứ làm rồi sẽ biết khó nhiều hay ít. Nếu có tâm và có hướng đóng góp cho Tổ quốc thì thế nào cũng làm được.
Kiều bào một khi đã hướng về Tổ quốc thì họ cũng không quan trọng quá vấn đề đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Bao nhiêu người đóng góp về cho quê hương mà đâu có màng chuyện giấy tờ.
Người ta nói xa mẹ mới thương mẹ nhiều hơn, Việt kiều cũng vậy, xa quê càng thương đất nước nhiều hơn. Người nào có gốc gác Việt thì đều là người Việt, quốc tịch không nói thay...
Đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc từng chia sẻ: Mỗi người, mỗi gia đình Việt kiều đều là một tiềm năng hướng về đất nước, ta còn thu hút được người nước ngoài khi cho họ thấy Việt Nam là đất lành, màu mỡ, nhiều triển vọng, thì có gì phải lo không kéo được người Việt Nam ở nước ngoài về.
Chung Hoàng