- Tại cuộc họp báo chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định Bộ ủng hộ các địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo vì cách làm này đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới công tác cán bộ.
>> 'Vụ Ứng Hòa không phải là chạy công chức'
>> Quảng Ninh: Muốn lên GĐ sở cũng phải thi
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Dù đổi mới thế nào, dứt
khoát không thể xa rời sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Bộ Nội vụ đương nhiên luôn ủng hộ. Nếu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển cần có sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ để đảm bảo kết quả tốt nhất cho kỳ thi thì Bộ sẵn sàng phối hợp và cộng tác", ông Tuấn nói. "Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý thì thi tuyển để lựa chọn, bố trí, bổ nhiệm người giỏi là một khâu góp phần đổi mới công tác cán bộ".
Theo Thứ trưởng Nội vụ, qua thí điểm ở các địa phương đã nổi lên một số vấn đề cần nghiên cứu.
"Quy định hiện nay là chỉ xem xét bổ nhiệm những người nằm trong quy hoạch. Vậy khi đổi mới cách làm, có thể có những trường hợp ngoại lệ, nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Nghĩa là việc bổ nhiệm phải thông qua cấp ủy, hoặc lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ chủ chốt và được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Tuấn khẳng định.
Giải quyết vướng mắc giữa công tác quy hoạch và trường hợp những người dự thi đạt điểm cao nhưng nằm ngoài quy hoạch chính là một trong nhiều vấn vấn đề mà Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để hoàn thiện đề án "Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp sở, cấp phòng", trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 3 tới.
"Thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý chỉ là một khâu trong quy trình bổ nhiệm. Các bộ, ngành, địa phương trước khi tổ chức thi tuyển đều phải lập kế hoạch, đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó thể hiện rõ các nguyên tắc, yêu cầu, mục đích, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển...", Thứ trưởng Nội vụ nói.
"Nhưng dù đổi mới thế nào, dứt khoát không thể xa rời sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ", ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Tiếp tục kiểm tra "chạy công chức", "công chức cắp ô"
Xung quanh thông tin "chạy công chức 100 triệu" và kết quả kiểm tra bước đầu của Hà Nội không phát hiện trường hợp nào, ông Trần Anh Tuấn cho biết Bộ và các cơ quan của Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra toàn diện.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát các quy định, quy chế, quy trình tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, khắc phục những kẽ hở, những điểm chưa phù hợp thực tiễn của các văn bản quy phạm, đảm bảo công tác thi tuyển chất lượng, tránh được tiêu cực, đặc biệt là hiện tượng chạy công chức mà xã hội đang bức xúc.
Bộ Nội vụ cũng tiếp tục nghiên cứu các phương pháp tổ chức thi tuyển mới. Theo đó, Bộ vừa trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức thi tuyển công chức bằng hình thức trực tuyến trên máy vi tính.
Còn với thông tin "30% công chức cắp ô" được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu gần đây, Thứ trưởng Tuấn cho biết Bộ đang triển khai điều tra đánh giá thực trạng công chức ở các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp quận huyện, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng công chức đến cơ quan không làm việc.
"Có những người làm việc rất chăm chỉ, tận tụy, không để ý đến những việc khác, trong khi có những người không làm gì, chỉ xăm soi, gây ảnh hưởng không tốt đến bầu không khí làm việc", ông Trần Anh Tuấn nói.
Không bình luận về tỉ lệ 30% nói trên, Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh điều quan trọng là đảm bảo những người gia nhập đội ngũ công chức phải tận tụy và tự nguyện phục vụ nhân dân, đất nước, có tinh thần trách nhiệm không vì lương cao hay thấp.
Chung Hoàng