- Có lẽ đến lúc này, VN đã tận dụng hết những lợi thế và kết quả của công cuộc Đổi mới. Đã đến lúc nghĩ về một cuộc cải cách tiếp theo để tạo ra năng lực cạnh tranh mới - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa chia sẻ.

Cơ hội cải cách

- Năm 2012 là một năm khó khăn đối với Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế. Năm 2013 vẫn còn nhiều thách thức, Chính phủ cũng thận trọng không đặt những chỉ tiêu quá tham vọng. Vậy WB có kỳ vọng như thế nào về sự khôi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới?

Bà Victoria Kwakwa.
Ảnh: World Bank Việt Nam

Năm 2012 dù đúng là khó khăn, đặc biệt trên mặt trận tăng trưởng, nhưng Việt Nam đã làm được việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát ở một con số, cải thiện dự trữ quốc gia và khôi phục lòng tin của thị trường thế giới đối với Việt Nam... Đó là những thành tích quan trong và không nên bị đánh giá thấp.

Tuy vậy, thực tiễn là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm qua giảm sút, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm… Thực trạng đó đáng lo ngại vì xét cho cùng, mục đích của tăng trưởng là tạo thêm việc làm, nâng cao chất lượng sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, có những điều rất cơ bản cần được cải thiện để lấy lại đà tăng trưởng cho năm 2013. Nhưng cũng là rất khó để dự báo cho một năm tới, và tầm nhìn của Việt Nam cũng không nên chỉ năm một.

Khi tiến hành công cuộc Đổi mới cách đây gần 30 năm, Việt Nam đã tạo ra những thay đổi căn bản về tính chất của nền kinh tế và những cải cách thực sự đem lại lợi ích cho Việt Nam.

Tuy nhiên, có lẽ đến lúc này, VN đã tận dụng hết những lợi thế và kết quả của công cuộc Đổi mới. Đã đến lúc nghĩ về một cuộc cải cách tiếp theo để tạo ra năng lực cạnh tranh mới, tăng trưởng hiệu quả hơn, sử dụng tài nguyên, vốn và nhân lực khôn ngoan hơn, khôi phục tốc độ tăng trưởng 8-10% của những thập kỷ trước.

Triển vọng tương lai của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào những thay đổi như vậy. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nhận thức được điều đó.

Đây là thời điểm Việt Nam tạo ra những thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng. Điều này đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam xác định về quyết tâm chính trị, giờ là lúc có hành động thực tiễn.

Thay đổi là việc khó, càng để thời gian trôi qua, có những thay đổi càng trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Do vậy, cần bắt tay vào làm ngay, chọn những việc khó để làm trước, thay vì cứ chờ đợi.

Chọn việc khó

- Một trong những việc đã xác định về quyết tâm chính trị nhưng còn thiếu các hành động thực tiễn là tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). WB nhận định thế nào về vấn đề này?

DNNN là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, điều hành khu vực này như thế nào thực sự có thể tác động thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của đất nước. Chúng tôi nhìn nhận đây là một vấn đề khó, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo quan sát của tôi, từ lúc nhiệm vụ này được triển khai cuối năm 2011 đến nay, tình hình vẫn dừng lại ở việc các đơn vị đều được yêu cầu lên kế hoạch tái cấu trúc hoặc cổ phần hóa. Việc này thực ra đang làm phân tán các nỗ lực và nguồn lực, cũng như khiến người dân khó nhìn thấy những thay đổi cụ thể.

Có lẽ nên bắt đầu với những vấn đề lớn nhất, đang tập trung sự chú ý, tìm giải pháp và thể hiện được việc cải tổ là có cơ sở và khả thi. Đó là những vấn đề cơ bản như cởi mở thông tin, minh bạch, tăng cường năng lực điều hành, trách nhiệm giải trình, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh bình đẳng...

Kiến nghị của tôi là làm từng bước một, có lộ trình rõ ràng và không ngại chọn ra những việc khó nhất để giải quyết trước. Như vậy sẽ vừa đem lại uy tín cho Chính phủ, vừa đem đến những hành động thực sự để tạo ra những chuyển biến thực sự.

-  Chia sẻ của bà về công cuộc phòng, chống tham nhũng của VN?

Khuôn khổ pháp luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam không hề thiếu, nhưng từ thể chế phải đi tới hành động. Theo chúng tôi, tham nhũng là phải chống vừa phòng, song cần tập trung nỗ lực cho những giải pháp chặn đứng mọi cơ hội cho tham nhũng. Không thể để tham nhũng xảy ra rồi mới chạy theo giải quyết, cần tạo ra một môi trường trong đó các hành vi tham nhũng không thể xảy ra.

Điều đó đồng nghĩa với thông tin cởi mở, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục... Cũng cần có những cơ quan thực sự độc lập, đủ thẩm quyền và đủ mạnh để kiểm soát và cân bằng quyền lực trong hệ thống, đảm bảo tham nhũng ở mọi cấp độ đều bị trừng phạt.

Tuy nhiên, việc điều tra, khởi tố, xử lý các vụ án tham nhũng cũng là việc quan trọng. Cần hành động kịp thời trong cả hai yêu cầu phòng và chống.

Tương tự với cải cách DNNN, các hành động phòng, chống tham nhũng cần cụ thể để người dân thấy được và có lòng tin rằng những người có hành vi sai trái đều phải chịu trách nhiệm, từ đó họ sẽ mạnh dạn lên tiếng và sát cánh với Nhà nước trong cuộc chiến này.

Chung Hoàng