- Năm mới, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ với VietNamNet những trăn trở về ngành mà ông làm tư lệnh - lĩnh vực luôn nhận được những ý kiến khác nhau, nhưng ông không né tránh. "Nếu thảo luận mà anh em trong Bộ nhất trí ngay thì tôi lo lắm".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói:
Tôi chưa khi nào hết trăn trở với việc nâng chất lượng giáo dục. Những yếu kém, bất cập của giáo dục vẫn còn. Những chuyển biến của ngành nhất là về chất lượng đã có nhưng chưa đồng đều và chưa mạnh mẽ.
Một điểm nữa là kỷ cương, kỷ luật và lòng tự trọng. Lòng tự hào về nghề nghiệp, lòng tự trọng của người trí thức trong một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được phát huy.
Hết thời 'một mình một chợ'
- Công việc gì được ông tâm đắc nhất và nhận được sự ủng hộ nhiều nhất trong năm 2012, thưa Bộ trưởng?
Năm 2012 là năm rất khó khăn, nhiều ngành, địa phương phải cắt giảm ngân sách, nhưng giáo dục vẫn nhận được sự quan tâm và ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và các gia đình. Đó là điều tôi tâm đắc nhất.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Tôi chưa khi nào hết trăn trở với việc nâng chất lượng giáo dục |
Ấn tượng thứ hai liên quan đến giáo dục đỉnh cao. Tất cả các em học sinh đi thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2012 đều đoạt huy chương, trong đó có một em học sinh lớp 11 ở tỉnh biên giới Tây Bắc. Đằng sau đỉnh cao này trước hết là sự nỗ lực của thầy và trò. Đồng thời, trong thành công này có sự đóng góp của các cơ quan chức năng của Bộ.
Cụ thể là chúng tôi đã thay đổi nội dung, hình thức thi, cách ra đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo các phương thức tổ chức thi học sinh giỏi quốc tế. Trước đây hai cuộc thi này rất khác nhau. Nói một cách hình ảnh là ở nước ngoài người ta thi theo các chuẩn quốc tế chung, còn ở trong nước chúng ta vẫn theo kiểu "một mình một chợ". Nay, Bộ đã thay đổi việc tổ chức cuộc thi học sinh giỏi quốc gia theo hướng hội nhập để tuyển chọn đội tuyển đi dự thi quốc tế.
Đồng thời, chúng tôi tách việc quản lí nhà nước của Bộ (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) ra khỏi công việc chuyên môn trong việc tổ chức thi và tuyển chọn học sinh giỏi đi dự thi quốc tế. Trước đây, các công việc này do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện. Bây giờ Cục tập trung vào việc ban hành các văn bản và chỉ đạo tổ chức triển khai. Còn việc lựa chọn học sinh, ra đề, chấm thi, bồi dưỡng đội tuyển... do các hội khoa học (như Hội Toán học, Hội Vật lý…) và các nhà giáo giỏi, có uy tín thực hiện. Cần nói thêm là việc thay đổi này do chính các nhà khoa học đề xuất với Bộ.
Điều tâm đắc thứ ba của tôi là sự thay đổi trong công tác quản lý, thể hiện một phần trong đổi mới công tác tổ chức thi học sinh giỏi vừa nêu và rõ nhất là đối với quản lý giáo dục đại học. Trong năm 2012, chúng tôi đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng để phát huy tối đa năng lực, tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và chính quyền địa phương đối với việc chấp hành pháp luật trong giáo dục đào tạo cũng mạnh mẽ, chặt chẽ và đồng bộ hơn, xử lý cũng nghiêm hơn.
Đọc những bài phê bình gay gắt trên máy bay
- Giáo dục vẫn là lĩnh vực có nhiều ý kiến trái chiều nhất. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng đón nhận và xử lí các vấn đề đó như thế nào?
Tôi thấy ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là bình thường và Bộ không tránh né những ý kiến trái chiều với mình. Ngay ở trong Bộ, có những vấn đề chúng tôi thống nhất xử lý rất nhanh, nhưng cũng có những vấn đề không thống nhất ý kiến được. Khi đó, Bộ trưởng, các thứ trưởng và vụ trưởng phải cân nhắc, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
'Nhất trí dễ dàng, không thảo luận kỹ càng nhiều khi là dấu hiệu của thiếu dân chủ...' |
Mỗi khi thảo luận trong Bộ, khi nào anh em nhất trí ngay là tôi lo lắm. Lo anh em muốn sớm kết thúc cuộc họp, ngại cọ xát nên không suy nghĩ thấu đáo, độc lập, cứ nhất trí cho xong. Mặt khác, việc nhất trí dễ dàng, không thảo luận phân tích kỹ càng, lật đi lật lại vấn đề nhiều khi là dấu hiệu của thiếu dân chủ, là nói dựa nói theo, và như thế thì còn nguy hơn.
Tôi thường xuyên đọc các bài viết về giáo dục đào tạo trên báo chí, coi đây là một kênh thông tin quan trọng. Trong những lần đi công tác nước ngoài, tôi thường mang theo những bài báo, bài viết, bài góp ý nêu ý kiến khác, kể cả những bài phê bình gay gắt để đọc trên máy bay. Vì chênh lệch múi giờ, không ngủ được nên lúc đó có thời gian để xem kĩ, nghiền ngẫm.
Các quyết định của chúng tôi được hình thành một phần nhờ kênh thông tin từ truyền thông và thư từ chúng tôi nhận được.
- Nhiều người hình dung công việc trong lĩnh vực có nhiều ý kiến trái chiều như vậy sẽ làm cho Bộ trưởng có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Bộ trưởng thường làm gì vào thời gian rảnh rỗi?
Có nhiều hôm tôi phải làm việc căng thẳng. Nhưng tôi luôn cố thu xếp, có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lí để có sức làm việc dẻo dai và bền bỉ. Tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để ăn cơm với mẹ và vợ con, dành một phần thời gian để chơi thể thao, thường là một buổi của ngày nghỉ cuối tuần.
Nếu có thể, tôi cùng với vợ và con đi nghe những buổi hòa nhạc hay tại Nhà hát Lớn. Tôi cũng rất thích đọc sách. Mỗi tháng tôi đều dành một buổi lên hiệu sách ở Tràng Tiền để chọn mua sách mới.
Kiều Oanh - Ảnh: Minh Thăng