- Hôm nay (19/2), UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Ban thường trực, Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Nhiều ý kiến tập trung phân tích về điều 4 Hiến pháp.
Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng khẳng định, điều 4 dự thảo Hiến pháp sửa đổi nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, cách thể hiện các nội dung như dự thảo chưa lột tả được hết.
Nguyên Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng |
"Hiến định hóa một quy định của nội bộ Đảng mang tính đương nhiên của mọi công dân, mọi tổ chức, rõ ràng chưa đủ và chưa làm nổi bật, chưa thể hiện sự gắn kết giữa vị thế lãnh đạo với trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Bổn phận luôn đi kèm trách nhiệm", ông Hằng nói.
Ông Hằng kiến nghị phải sửa đổi nội dung khoản 3 nói trên thành: “Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”.
Theo ông Hằng, có sửa như vậy mới tạo ra nền tảng bảo đảm về mặt pháp lý cho vị thế của Đảng là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" duy nhất, tạo cơ sở để việc "chịu sự giám sát của nhân dân", nhất là "chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" của Đảng được cụ thể hóa bằng các đạo luật của Nhà nước. Có như vậy mới có cơ sở để yêu cầu các cấp ủy, mọi đảng viên chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình. Nếu không dễ rơi vào trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm chính trị chung chung trong Đảng.
"Đây không phải vấn đề mới, nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ tư tưởng này. Trong xu thế hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề nền tảng của minh bạch chính trị", ông Hằng khẳng định.
Cũng góp ý vào điều 4, ông Hoàng Thái, nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất cần sớm có luật về Đảng. “Bởi, mọi tổ chức đều có luật điều chỉnh, riêng tổ chức Đảng là nòng cốt trong hệ thống chính trị mà lại chưa có luật là không được. Nên có luật để Đảng hoạt động công khai, minh bạch chống lại mọi sự tùy tiện”, ông Thái nói.
Ông Thái phân tích thêm, điều 70 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
“Qua gần 70 năm, bốn bản Hiến pháp đều ghi là lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc và nhân dân... Bác Hồ nói rằng ở bất kỳ đâu cũng phải đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết", ông Thái nói.
Góp ý về mặt kỹ thuật lập hiến, ông Thái cho rằng cũng với nội dung "Đảng lãnh đạo" song ban soạn thảo nên cân nhắc cách viết để được lòng dân, tránh sự trịch thượng.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị viết thêm câu: Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội |
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Truyền bổ sung thêm, ông rất nhất trí với các đề xuất nêu trên, đặc biệt là xây dựng luật về Đảng. Sau khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi được thông qua, ông Truyền đề xuất cần xúc tiến soạn thảo luật về Đảng.
Nói như ông Trần Đình Phùng, việc sớm ban hành một luật riêng về Đảng cũng là thể hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của tổ chức này với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bởi Đảng không có lợi ích và không đứng ngoài lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị viết thêm câu: "Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội". Như vậy cùng với việc xây dựng luật về Đảng sẽ phải xúc tiến xây dựng luật về hoạt động giám sát và phản biện.
Hội nghị diễn ra trong trọn ngày, với nhiều vấn đề khác được mổ xẻ phân tích như Hội đồng bảo hiến, quyền con người, quyền công dân...
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng
Mời bạn đọc theo dõi các bài viết
về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-
Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn |