- Cố vấn chính sách của UNDP cho rằng, một cơ quan chống tham nhũng độc lập có thể áp dụng các biện pháp xử lý và thực thi pháp luật một cách mạnh tay, khách quan và vô tư hơn.
>> Chống tham nhũng, đừng dùng 'bình cũ rượu cũ'
>> Sửa không khéo, luật chống tham nhũng như hổ không răng
Ông Jairo Acuña-Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng, UNDP Việt Nam nhấn mạnh trên tờ Diễn đàn pháp luật Việt Nam một trong những điểm nhấn của năm 2012, đó là luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được thông qua. Trong đó, thay đổi căn bản nhất là không còn quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Đề cập công tác PCTN trong năm 2013, ông Jairo chỉ ra cần tăng cường tính "độc lập", "tự quyết" của cơ quan chống tham nhũng.
Tách bạch vai trò "trọng tài"
Theo cố vấn của UNDP, việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay là cơ hội tốt để cân nhắc những phương án củng cố cơ sở để các định chế chịu trách nhiệm thực thi pháp luật chống tham nhũng hoạt động hiệu quả.
Ông Jairo Acuña-Alfaro: Cần tăng cường tính tự quyết của cơ quan chống tham nhũng. Ảnh: Minh Thăng |
Việc đưa Ban chỉ đạo TƯ về PCTN về thuộc sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị và đưa Văn phòng Ban chỉ đạo về Ban Nội chính TƯ có thể là một cơ hội tốt để tăng cường tính độc lập của các định chế kiểm soát tham nhũng.
"Có thể nói một phần của việc tổ chức lại bộ máy như vậy xuất phát từ nhận thức rằng sẽ rất khó chống tham nhũng nếu như các định chế thực hiện chức năng này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Để tách bạch được vai trò của ‘trọng tài’, cần trao tính độc lập cần thiết cho ‘trọng tài’ đồng thời làm rõ chức năng điều tra của cơ quan chống tham nhũng. Nếu không, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ và việc tái cơ cấu thể chế không có ý nghĩa gì ngoài việc thay đổi địa chỉ nhận đơn thư tố cáo của người dân" - ông nhấn mạnh.
Về điểm này, theo ông, Việt Nam có thể tham khảo “Nguyên tắc Jakarta về các cơ quan chống tham nhũng” do nhóm đương kim và cựu lãnh đạo cấp cao các cơ quan chống tham nhũng trên thế giới cùng thảo luận và công bố. Những nguyên tắc đó là cơ sở quan trọng để cơ quan như Ban Nội chính TƯ có thể xem xét trong quá trình nâng cao tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một thành viên tích cực của cộng đồng các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Điều 6 và điều 36 của UNCAC quy định về các cơ quan PCTN và các cơ quan chuyên trách có thể là căn cứ quan trọng để tăng cường hơn nữa “tính độc lập” cho các cơ quan chống tham nhũng.
UNCAC tôn trọng các hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên, song cũng quy định các cơ quan PCTN được trao “sự độc lập cần thiết nhằm giúp cho những cơ quan này có thể thực hiện được chức năng của mình một cách hiệu quả và không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào”.
Vai trò người đứng đầu
Ông Jairo cũng đề xuất một cách để tăng cường tính độc lập cho cơ quan chuyên trách về PCTN, trong đó có cả Thanh tra Chính phủ, đó là không chỉ cơ cấu lại tổ chức mà còn củng cố cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan PCTN (về nhiệm kỳ, quyền hạn và nhiệm vụ).
Chẳng hạn, thay vì bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan PCTN theo nhiệm kỳ của Chính phủ 5 năm một lần, người đứng đầu cơ quan PCTN có thể được bổ nhiệm cho một nhiệm kỳ dài hơn (10-15 năm), hoặc không theo nhiệm kỳ cố định của Chính phủ (ví dụ từ 2011-2015) mà sẽ được bổ nhiệm hai năm sau mỗi nhiệm kỳ Chính phủ mới và cũng giữ nhiệm kỳ 5 năm (ví dụ: từ 2013-2017) nhằm đảm bảo tính độc lập của vị trí này với những người đứng đầu Chính phủ.
Người đứng đầu cơ quan PCTN đã qua quy trình tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự từ giai đoạn đầu vào. Các quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan PCTN phải do Quốc hội thực hiện thông qua một ủy ban đặc trách về bổ nhiệm nhân sự cao cấp.
Ông cũng nhấn mạnh, tăng cường tính độc lập là cần thiết để củng cố các cơ chế thực thi pháp luật. Một cơ quan chống tham nhũng độc lập có thể áp dụng các biện pháp xử lý và thực thi pháp luật một cách mạnh tay, khách quan và vô tư hơn.
Những biện pháp hình sự xử lý tham nhũng hiện nay thiếu hiệu quả không phải do không đủ mạnh, mà do chưa được thực thi đầy đủ, nghiêm túc.
Lý do đó cùng với cơ cấu tổ chức nhiều thứ bậc, tầng nấc hiện nay khiến cho các cơ quan chống tham nhũng gặp không ít trở ngại trong quá trình điều tra bên cạnh những yếu kém về quyền năng và năng lực cần thiết để điều tra các vụ tham nhũng.
Nói một cách hình tượng hơn, đó là các cơ quan chống tham nhũng có thể được ví như “những con hổ không răng”, và điều này cản trở việc thực thi pháp luật PCTN có hiệu quả trên thực tế.
PV (ghi)