- Hệ số rủi ro, đi trên dây… đó là những cụm từ được nhắc trong cuộc thảo luận mổ xẻ vai trò báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân cho các dự thảo chính sách.

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) - Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 27/2 tại Hà Nội.

Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, báo chí là một trong các cách thức quan trọng nhất để lấy ý kiến nhân dân và cộng đồng DN. Báo chí với tư cách kênh thảo luận nhiều chiều, sẽ mổ xẻ các chính sách từ các góc độ khác nhau, với kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, giúp cơ quan hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin hơn. 

Từ kinh nghiệm của VCCI, bà Trang ghi nhận báo chí là đầu mối lý tưởng để phát hiện các bất cập thực tiễn, từ đó đề xuất sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách. Đây cũng là diễn đàn trao đổi nhiều chiều, huy động trí tuệ xã hội vào quá trình lập pháp và là công cụ hữu ích để tạo dư luận và sức ép hợp lý cho các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của cộng đồng.

Trong khi đó, việc lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng chính sách chính là quá trình “học kiến thức và tập dân chủ”, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Hữu Vinh nhận xét. Chưa bao giờ báo chí truyền thông lại đóng góp tích cực như những năm qua. Qua các cuộc lấy ý kiến nhân dân, “chính quyền phải lắng nghe, phải học hỏi, rồi điều chỉnh chính sách”.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định vội vàng từ các cấp đã phải hủy bỏ, sửa đổi sau khi tiếp nhận phản biện xã hội. 

Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN Nguyễn Thị Thu Trang

Thế nhưng, một loạt sự kiện lập pháp mà ở đấy, văn bản pháp lý vừa ra đời đã sớm chết yểu và bị nhân dân phản đối - như nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu (rượu dán tem) và thông tư 30 của Bộ Y tế về “điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” - cũng cho thấy khâu lấy ý kiến nhân dân có vấn đề.

“Việc lấy ý kiến đối tượng bị tác động trực tiếp đang gần như bị cho qua. Người dân chỉ có quyền có ý kiến thông qua báo chí khi các văn bản quy phạm có hiệu lực”, nhà báo Đào Tuấn nói.

Nhà báo Đào Tuấn cho rằng, khi viết và công bố những góp ý, phản biện với các chủ trương, chính sách, nhà báo phải đối mặt với hệ số rủi ro nhất định.

Để việc lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, nhà báo phải thấy an toàn khi thảo luận về những vấn đề như vậy. “Thiếu thông tin, thiếu thủ tục minh bạch, thiếu tranh luận thì việc lấy ý kiến của dân đều không hiệu quả”, TS Nguyễn Quang A lưu ý.

TS Lê Hồng Hạnh, Viện Khoa học Pháp lý của QH cho rằng, cơ quan công quyền và báo chí cần phải ngồi lại, đối thoại để nhìn rõ các điểm nghẽn cũng như những rủi ro của báo chí trong việc trở thành diễn đàn của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng pháp luật chính sách, Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho rằng, bản thân cơ quan báo chí vẫn chưa chủ động. Mỗi dự thảo chính sách là cơ hội cho các cây bút đưa tin, phân tích, phản biện thế nhưng báo chí không coi dự thảo chính sách là đề tài khai thác thường xuyên, có kế hoạch dài hạn, ông Hiếu nhận xét.

Ông đơn cử, từ đầu năm 2012 đến nay, trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy pháp pháp luật thì chỉ có 19 văn bản có ý kiến đóng góp, 37 văn bản không có ý kiến nào, kể cả dự thảo liên quan nhiều đến hoạt động báo chí như Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

TS Đỗ Thịnh lưu ý, trong việc lấy ý kiến phải hướng trước hết vào dân chứ không phải vào số ít người được gọi là “tinh hoa”, và quan chức như thói quen mặc định.

Dân là số lớn. Tập hợp ý kiến của số lớn không dễ, tốn kém cả về công sức, thời gian, tài chính, nên khoa học thống kê đã cung cấp công cụ lấy "mẫu đại diện", bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy cho phép, theo đó cần được tôn trọng, TS Thịnh nói.

Ông gợi ý, điều tra xã hội học là một cách thức hiệu quả để lấy ý kiến nhân dân cho các chính sách lớn. Giống như những thông số "ý kiến nhân dân" đánh giá uy tín của mỗi công ty, mỗi mặt hàng, mỗi trường đại học, những chính sách lớn về tái cấu trúc, xử lý nợ xấu... cũng cần có những thông tin điều tra xã hội trên báo chí. Đó là cách để báo chí "đắt khách" hơn, với hình ảnh "cháy hàng" trên mỗi sạp báo.

Phương Loan