- Với tinh thần “đặt hàng” các chuyên gia góp ý sửa đổi chương 9 về “chính quyền địa phương” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, buổi lấy ý kiến do Văn phòng Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp và ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 28/2 cho thấy nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này.

Nên áp dụng chế độ thị trưởng?
 
PGS.TS Trương Đắc Linh (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, chương 9 về chính quyền địa phương là “chương yếu nhất” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp vì chưa xác định được nguyên tắc “bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp” mà ĐH Đảng lần thứ 10 đã xác định. Đồng thời, chưa xác định chủ thể quan trọng nhất của chính quyền địa phương là cộng đồng dân cư (nhân dân) ở địa phương, các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực trực tiếp và thông qua các cơ quan chính quyền địa phương.

“Hiện nay, các quan chức bán đất, cho thuê đất tùm lum nhưng nếu nhân dân là chủ thể quan trọng nhất thì không có chuyện đó được vì nhân dân sẽ kiểm soát, bầu trực tiếp người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương”, ông Linh lý giải.

Ông Trương Đắc Linh: Cơ quan hành chính của chính quyền địa phương phải quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm
 
Do đó, ông Linh đề nghị Hiến pháp cần có một điều xác định: “Chính quyền địa phương được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp theo luật định. Nhân dân địa phương trực tiếp thực hiện quyền lực ở địa phương và thông qua các cơ quan chính quyền địa phương được thành lập theo luật định”.
 
Theo ông, đây là cơ sở hiến định để đổi mới cơ bản tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian tới khi xây dựng luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
 
Về những điều khoản cụ thể, ông Linh cho rằng dự thảo “không có sửa đổi gì và quy định các đơn vị hành chính cứng nhắc, máy móc”.
 
Tại khoản 1 điều 115, ông Linh cho rằng, dự thảo không kế thừa loại đơn vị hành chính có tính chất vùng miền đã từng tồn tại một thời gian dài, không tính đến nhu cầu hiện nay và khả năng áp dụng trong tương lai loại đơn vị hành chính mới ở các đô thị lớn là khu đô thị mới hay thành phố nhỏ trong đô thị lớn (chuỗi đô thị) như Đề án xây dựng chính quyền đô thị của TP.HCM kiến nghị Trung ương cho áp dụng thí điểm.
 
Khoản 2 điều 115 tuy có khác so với điều 118 Hiến pháp hiện hành nhưng theo ông Linh cũng bộc lộ những hạn chế. “Cách quy định như khoản 2 diều 115 sẽ trói buộc luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ có một lựa chọn là một số đơn vị hành chính sẽ không tổ chức HĐND, nhưng các đơn vị hành chính sẽ đều thành lập UBND. Trong khi đó, các văn kiện của Đảng, chủ trương của Nhà nước là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và TP Đà Nẵng cũng đã kiến nghị áp dụng chế độ thị trưởng do dân bầu”, ông Linh nói.
 
Do đó, ông Linh đề nghị thêm các đơn vị hành chính mới như vùng, khu phố hay “thành phố nhỏ” trong các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM vào khoản 1 điều 115 và đưa cụ thể các địa phương được tổ chức HĐND vào một khoản riêng của điều này.
 
Tại điều 116, ông Linh cho rằng, việc hiến định mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải là UBND (một cơ quan tập thể, làm việc theo chế độ hội nghị và có chức danh chủ tịch) thì khả năng áp dụng nguyên tắc thủ trưởng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính của chính quyền địa phương “khó có cơ hội thực hiện”.
 
“Trong khi bản chất pháp lý của cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cơ quan hành chính của chính quyền địa phương nói riêng hoạt động phải khẩn trương, nhanh nhạy, quyết định những vấn đề phát sinh hàng ngày quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm”, ông Linh lý giải.
 
Do đó, ông Linh đề nghị cơ quan hành chính của chính quyền địa phương cần áp dụng chế độ thủ trưởng.
 
Nên tăng quyền cho địa phương
 
PGS.TS Nguyễn Cửu Việt nhận định, đề xuất của ông Linh “rất hay”. “Tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm nằm trong văn kiện của Đảng rồi thế mà làm mãi không xong. Sao không đưa vào luôn Hiến pháp, tôi thấy “được quá”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Cửu Việt: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm chính là cốt lõi của tự quản ở địa phương
 
Theo ông, nếu hiểu cho đúng thì tự chủ và tự chịu trách nhiệm chính là cốt lõi của tự quản ở địa phương. "Tự quản không có nghĩa là không có kiểm soát, tự quản mới phát triển được. Tự quản nhưng có cơ quan giám sát, điều phối”, ông nói.
 
“Tôi nghĩ là phải viết lại chương 9 về chính quyền địa phương” - lời ông Việt.
 
Đồng tình ý kiến này, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng, viết như bản dự thảo sửa Hiến pháp 1992 là không đạt yêu cầu. Theo ông, hiện nay có quan điểm xem HĐND là cấp dưới QH.
 
“Đây là một quan điểm cần xem lại. HĐND không phải cấp dưới QH, tất cả vẫn hoạt động coi như giống nhau. Ta thiết chế mô hình chính quyền địa phương theo hướng tự quản chứ không phải là cấp dưới của ai cả. Sửa như thế này là HĐND ở chiếu dưới QH”, TS Lịch nói.
 
Còn ông Đào Trí Úc, thành viên Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp cho rằng, tự quản địa phương là đỉnh điểm của phân quyền. “Nhưng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi, vậy thiết kế thế nào để tiếp cận đến, chứ không phải thiết kế để cản đường tiến. Bởi vì tiến đến tự quản - phân quyền là quy luật dứt khoát, không thể cưỡng được”, ông Úc nói.
 
Bài và ảnh: Tá Lâm