Ví phụ nữ 55 tuổi phải về hưu như thể "chưa cất cánh đã phải hạ cánh" là quá duy tình. Tuổi đó mà chưa cất thì không nên bám trụ, hãy để lớp trẻ có cơ hội cống hiến.
Ví phụ nữ 55 tuổi phải về hưu như thể "chưa cất cánh đã phải hạ cánh" là quá duy tình. Tuổi đó mà chưa cất thì không nên bám trụ, hãy để lớp trẻ có cơ hội cống hiến.
Góp ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 nữa - 65 tuổi với nam, 60 với nữ, thay vì 60 và 55 như hiện nay - đại đa số bạn đọc VietNamNet không đồng tình.
Bạn Hoàng Thiên cho rằng việc tăng tuổi hưu chỉ nên áp dụng cho các nhà khoa học, còn lại không cần thiết, dễ "sinh tiêu cực" và hạn chế sự phát triển của thế hệ trẻ. Bạn Nguyễn Thị Tho cũng nói hiện rất nhiều thanh niên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học trong và ngoài nước đang cần có việc làm và đây là nguồn nhân lực tốt để thực hiện các cải cách trong công tác quản lý. "Tại sao lại cản trở họ bằng việc kéo dài tuổi làm việc của một bộ phận rất lớn những cán bộ có tư duy đã cũ" - bạn Tho nêu.
Ảnh minh họa: Bình Minh |
Độc giả Bùi Tùng cũng viết, hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường, hàng trăm ngàn người đến tuổi lao động. Trong khi đó không phải ngành nghề nào cũng cần những lao động đã đến tuổi về hưu như hiện nay tiếp tục làm việc.
Một trong những lý do đề nghị tăng tuổi hưu là lo vỡ quỹ BHXH. Vì vậy theo độc giả, không tăng tuổi nghỉ hưu mà nên tăng số tiền đóng BHXH của người lao động thêm một vài %/tháng so với hiện nay.
Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ. "Chúng ta phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo thôi". Độc giả Bình Dân đồng tình phần lớn với những người ở tuổi nghỉ hưu hiện nay đã hết sức bật. Họ nên nhường chỗ cho lớp trẻ.
Nếu có tâm, vẫn có thể phục vụ đất nước
Những ý kiến ủng hộ việc không nên tăng tuổi nghỉ hưu, nhường chỗ cho người trẻ lập luận, nếu những người làm quản lý, chuyên gia, những người có nhiều kinh nghiệm, trình độ đến tuổi nghỉ hưu, nếu có tâm đóng góp, vẫn có thể có nhiều cách làm lợi cho đất nước. Điều đó không nhất thiết phải thể hiện ở việc duy trì công việc thêm 5 năm.
Bạn đọc Triệu Đức Chính nêu: Nhà nước không cấm những người khi nghỉ hưu có tâm với đất nước sẵn sàng phục vụ đất nước với những phát minh sáng kiến mà không cần nhận bất cứ một đồng nào từ Nhà nước, nếu nghỉ rồi mà làm được như vậy nhân dân sẽ tôn vinh.
Bạn đọc Nguyễn Bá Đang nhận xét, để phụ nữ nghỉ hưu 55 tuổi là một tính ưu việt, nhiều người sang tuổi 50 đã thấy mỏi mệt trong công việc chưa nói những người làm việc nặng. "Nhiều giáo viên nữ đều nói rằng sang tuổi 50 soạn bài, chấm bài, đứng lớp là ngại lắm, nếu được nghỉ ở tuổi 50 chúng tôi cũng vui. Những người làm quản lý muốn về hưu muộn hơn vì công việc có nhiều bổng lộc...".
Độc giả Kim Hoa có ý kiến ngoài câu chuyện bình đẳng nam-nữ, cũng cần phải thực tế hơn: "Ngoại trừ các cô các chị có trình độ chuyên môn quản lý cao thì hầu hết phụ nữ 50-55 tuổi có " ỳ tính" rất lớn, ngại đi công tác. Phần lớn họ lo vun vén gia đình vì đây là tuổi con cái đã trưởng thành, bắt đầu có cháu. Và đây là thời gian đẹp cho chị em nghỉ để lo cho gia đình, nhường chỗ cho đàn em tiếp tục".
Độc giả Cao Sơn cho rằng, công nhân trực tiếp sản xuất ở các nhà máy đối với nữ đủ sức làm việc để nghỉ hưu ở tuổi 55 chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đa số nghỉ hưu trước 55 do bây giờ máy móc hiện đại đòi hỏi trình độ và sự nhanh nhẹn nên họ không làm được phải nghỉ. Nếu cố chưa về hưu thì phải làm các việc phục vụ dễ làm hơn nhưng lại mất sức lực và lương thấp nên thường chọn nghỉ hưu non.
"Ngược lại tôi thấy các giáo sư đầu ngành thì già mà còn sức làm việc thì tốt quá, nhưng dù trình độ chuyên môn cao cũng không nên làm quản lý nữa vì sẽ bảo thủ, khó theo kịp xu hướng phát triển chung của xã hội đòi hỏi".
Độc giả Cao Hòa tâm sự: "Tôi là phụ nữ, đã từng đi làm ở rất nhiều các tổ chức và giờ đang là chủ một doanh nghiệp, có ít nhiều kinh nghiệm sử dụng và quản lí lao động. Theo tôi, chúng ta không nên tăng tuổi nghỉ hưu với phụ nữ. Vì ở tuổi 55, còn rất ít người có đủ sức khỏe, tâm huyết, hứng thú để cống hiến và tối thiểu là đảm bảo được cường độ làm việc như khi còn trẻ. Về mặt tâm lí, họ đã có cháu nội cháu ngoại, muốn về với gia đình nhiều hơn. Nói như bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm UB Đối ngoại QH là "chưa cất cánh" theo tôi là quá duy tình. Tuổi đó mà chưa cất thì về đi chứ còn bám trụ làm gì. Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ rất thông minh, hãy để cho các cháu có cơ hội cống hiến. Đừng làm cho lực lượng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp cứ ngày càng già đi nếu tiếp tục tăng thêm tuổi về hưu".
Anh Thư (tổng hợp)