Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Hiến pháp phải có sức sống lâu dài nên sẽ chỉ sửa những vấn đề đã chín muồi, còn lại sẽ điều chỉnh bằng các dự án luật.

Sáng 2/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến pháp chế doanh nghiệp với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

“Thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu”

Bàn chung về dự thảo, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn sẽ xây dựng một bản Hiến pháp có tuổi thọ dài hơi, đặc biệt là cần súc tích.

Ông Lê Khắc Triết (Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn VN) đặt vấn đề, nhiều “quyền” công dân ghi trong Hiến pháp 1992 vẫn chưa thực hiện được, đến nay lại tiếp tục đưa vào dự thảo mới, liệu có khả thi?

“Công dân có quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận… toàn những cụm từ nhạy cảm được đưa vào Hiến pháp song tôi băn khoăn không biết có thực hiện không hay chỉ đưa vào cho đẹp, để đọc lên thấy Hiến pháp toàn những mỹ từ?”, ông Triết hỏi.

Ông Triết đề xuất, với những nội dung chưa thể triển khai được trong thực tiễn nên chăng chưa vội đưa vào Hiến pháp.

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ nhiệm CLB pháp chế ngân hàng) đề xuất loại bỏ hết những quy định về “lợi dụng, ngăn cấm” đồng thời đề nghị viết rõ ràng, dễ hiểu cho toàn dân đọc.

Cũng theo ông Đức, bản dự thảo “thừa vẫn thừa nhưng thiếu vẫn thiếu”. Nhiều vấn đề chỉ ghi chung chung “theo quy định của pháp luật” trong khi thực tiễn đòi hỏi cần nêu ra cụ thể các điều luật để dễ dàng triển khai trong thực tiễn thay vì tiếp tục lặp lại tình trạng kém minh bạch. Và kết quả là nhiều nội dung được đề cập trong Hiến pháp sẽ không được luật hóa.

Ồng Đức đề xuất, Hiến pháp không nên nêu ra những khẩu hiệu chung chung chỉ có giá trị kêu gọi, tuyên ngôn. Thậm chí không nên viết về những vấn đề đang còn gây tranh cãi, chưa thể thực hiện được hoặc không được người dân ủng hộ.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Hiến pháp phải có sức sống lâu dài. Ảnh: Tuổi trẻ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lên tiếng, “quan điểm sửa Hiến pháp là sửa những vấn đề bức xúc vừa qua đã gây khó khăn, cản trở cho quá trình phát triển. Với quan điểm Hiến pháp phải có sức sống lâu dài nên sẽ chỉ sửa những vấn đề đã chín muồi, còn lại sẽ được điều chỉnh bằng các dự án luật”.

Làm rõ vai trò đại diện chủ sở hữu tài sản công

Liên quan đến các chế định kinh tế, đa số đồng tình với việc dự thảo Hiến pháp đã nhìn nhận công bằng vai trò tất cả các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng cần được làm rõ.

Theo ông Trần Vũ Vương (Trưởng phòng pháp chế Tổng công ty lắp máy Lilama), các quy định về thẩm quyền của Chính phủ với vai trò là đại diện chủ sở hữu nguồn lực kinh tế nhà nước chưa rõ ràng. Vì vậy thời gian qua đã có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm thất thoát nguồn lực kinh tế tại một số tập đoàn do không biết ai là chủ sở hữu, ai quản lý. Theo ông Vương, không nên quy định chung chung một câu rằng nhà nước là đại diện chủ sở hữu mà phải nói rõ ở đây chính là Chính phủ.

“Một thời gian dài có những nguồn tài sản được nhà nước đầu tư gần như là… vô chủ. Xảy ra sai phạm không ai chịu trách nhiệm. Nên phải có chủ thì mới quy được trách nhiệm”, ông Vương nói.

Ông Vương đề xuất, nên bổ sung một ý trong khoản 4, điều 101: Chính phủ là đại diện chủ sở hữu với tài sản, nguồn lực kinh tế do nhà nước đầu tư.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng góp ý qua hơn 2 thập niên tổ chức thi hành, các quy định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là trong quá trình triển khai các quy định thực tiễn khi mà VN gia nhập WTO đã bộc lộ ra nhiều tồn tại.

Kinh tế nhà nước, đặc biệt là các DN lớn của nhà nước đã không thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước thuộc các ngành công nghiệp như đóng tàu, cơ khí, khoáng sản… được hi vọng là rường cột của nền kinh tế quốc doanh đã trở thành gánh nặng cho kinh tế khi để thất thoát của nhà nước cả ngàn tỷ đồng, lao động thì điêu đứng vì bị mất việc làm. Kinh tế tập thể thì èo uột, còn kinh tế tư nhân tuy được dịp nở rộ song chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, sức cạnh tranh kém…

Đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng Hiến pháp sửa đổi bãi bỏ việc liệt kê từng thành phần kinh tế là phù hợp. Tuy nhiên, cần minh định hóa những chủ trương về phát triển bền vững đất nước.

Hiến pháp cũng nên quy định rõ hơn sự tôn trọng các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó có các quy luật cạnh tranh công bằng, lành mạnh, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của người dân. Xác định hợp lý vai trò kinh tế của nhà nước và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường.

Lê Nhung