Theo các chuyên gia an ninh, hàng loạt vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng sẽ khiến Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng khi công bố ngân sách quân sự năm nay trước khi kỳ họp quốc hội khoá mới diễn ra.
Sau gần ba thập niên mạnh tay đầu tư vào quân sự, Trung Quốc giờ đây đã ngày càng quả quyết hơn trong việc phô trương sức mạnh thách thức các nước cùng có tuyên bố chủ quyền với vùng biển chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên năng lượng ở Hoa Đông và Biển Đông.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khí tài quân sự nhằm phô trương sức mạnh ở những vùng tranh chấp lãnh thổ. Ảnh: Reuters |
Hải quân Trung Quốc giờ đây đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số lượng thô tàu thuyền, và trở thành một lực lượng hướng tới hoạt động ở vùng biển xa hơn là chỉ phòng thủ bờ biển, thường xuyên tiến hành tuần tra và diễn tập liên tục tại các khu vực tranh chấp hàng hải.
Trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường đối đầu với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Bắc Kinh cũng không ngừng đẩy mạnh tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông.
Để chi trả cho những lần triển khai quân sự, các khí tài mới đưa ra vùng biển, hầu hết các chuyên gia phân tích cho rằng, ngân sách năm nay của Bắc Kinh sẽ tiếp tục đạt mức tăng hai con số. "Các ước tính chủ yếu vẫn là gia tăng mạnh”, Lôi Hùng, một chuyên gia quân sự tại ĐH Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải nói.
Cùng với sứ mệnh khẳng định chủ quyền tại các vùng tranh chấp, hải quân Trung Quốc còn đang triển khai các hạm đội tới vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia như là một phần trong nỗ lực chống cướp biển tại Ấn Độ Dương. Bắc Kinh tháng trước tuyên bố hải quân của họ đã thực hiện chuyến công tác lần thứ 14 kiểu như này kể từ tháng 12/2008.
Các hoạt động này bên cạnh việc góp phần phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc thì cũng đặt ra gánh nặng mới về ngân sách cho việc hiện đại hoá nhanh chóng khí tài quân sự bao gồm các đơn đặt hàng lớn về tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa.
Bắc Kinh năm ngoái đã tuyên bố tăng 11,2% chi tiêu quân sự đạt mức 106 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự nước ngoài khẳng định, con số thực tế cao hơn nhiều công bố. Lầu Năm Góc ước tính chi tiêu thực sự của Bắc Kinh trong năm 2012 đạt mức 120-180 tỉ USD.
Mức chi tiêu hiện nay của Trung Quốc đứng thứ hai chỉ sau Mỹ. Trong khi đó, giữa bối cảnh kinh tế trì trệ, Lầu Năm Góc lại phải đối mặt với áp lực giảm ngân sách bắt đầu từ 1/3. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hiện có ý định chi tiêu theo hướng tập trung vào khả năng sẵn sàng chiến đấu, các vũ khí công nghệ cao và huấn luyện đào tạo.
Thái An (theo Reuters)