- Đảng không có quyền lực và lợi ích nào khác ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân - TS Hồ Bá Thâm góp ý cho điều 4 dự thảo Hiến pháp sửa đổi.


Tại hội nghị lấy ý kiến sửa Hiến pháp 1992 do Văn phòng Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp và ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 28/2, TS Hồ Bá Thâm - nguyên Trưởng ban Triết học và Chính trị - Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM cho rằng, cần làm rõ ràng hơn sự cam kết pháp lý của Đảng trước nhân dân. VietNamNet trích đăng ý kiến của ông.

Tôi ủng hộ và tán thành cơ bản điều 4 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi thấy cần có góp ý điều chỉnh và bổ sung theo hướng giới hạn quyền lực, giám sát quyền lực và trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, trước Nhà nước và xã hội. Cần có quy định pháp lý cơ bản ràng buộc quyền, trách nhiệm qua lại giữa Đảng và nhân dân.

Hơn nữa cần làm rõ, ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền chứ không chỉ là lãnh đạo. Nói “đảng cầm quyền” rộng hơn, chính xác hơn, rõ ràng và minh bạch hơn nói “Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Theo tôi, trong điều 4 (sửa đổi) có ý chưa đủ, chưa rõ hay khó xác định. Chẳng hạn như Đảng gắn bó với nhân dân thì “gắn bó” là thế nào? Sao không ghi là “dựa vào dân, trọng dân, lắng nghe dân…”. Và cũng không nên ghi một ý của điều khoản quá dài, nhiều ý khác nhau hoặc quá lệ thuộc vào câu chữ của Cương lĩnh, mang văn phong nghị quyết hơn là văn phong Hiến pháp. Phải giữ vững bản chất vấn đề nhưng cần mềm hóa câu chữ và chuyển hóa thành ngôn ngữ luật pháp một cách phổ biến.

Ông Hồ Bá Thâm: Đảng cần có cơ chế độc lập kiểm soát quyền lực của Đảng từ bên trong và bên ngoài, phát huy dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền. Ảnh: Tá Lâm

Với tinh thần đó, tôi đề nghị bổ sung điều 4 cho rõ như sau:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; là trung tâm đoàn kết và hòa hợp dân tộc, thực hành dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đảng không có quyền lực và lợi ích nào khác ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng yêu nước và vì CNXH, vì chủ nghĩa quốc tế chân chính, vận dụng và phát huy tinh thần sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; đồng thời kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa, tư tưởng của dân tộc, của nhân loại và thời đại, xây dựng hệ thống giá trị tư tưởng tiên tiến, phát triển trí tuệ, xứng đáng là đạo đức là văn minh.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và chế độ XHCN. Đồng thời là đảng cầm quyền, Đảng biến đường lối và nghị quyết của Đảng và ý chí của nhân dân thành quy phạm pháp luật để thực thi quyền lực nhà nước trong quản lý phát triển xã hội: Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và gương mẫu thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tôn trọng Nhà nước, đảng không được bao biện, làm thay công việc của Nhà nước và của đoàn thể.

5. Đảng kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên trong bộ máy nhà nước về việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và về việc thực hành đạo đức cách mạng, chống đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, lãng phí.

6. Đảng tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để giới thiệu với nhân dân bầu vào các vị trí đại diện của Nhà nước và đoàn thể, hoặc để được bổ nhiệm vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể. Đảng tôn trọng, trân trọng cán bộ ngoài Đảng và cán bộ ngoài Đảng bình đẳng với cán bộ là đảng viên.

7. Đảng phải có cơ chế lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý, phản biện của nhân dân; Đảng tin dân, kính trọng dân, dựa vào dân, làm lợi cho nhân dân. Có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và phát triển đất nước.

8. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Công dân, đại diện nhân dân giám sát quá trình ra quyết định, hệ quả các quyết định của Đảng liên quan tới công dân và quốc gia; có quyền kiến nghị, tỏ thái độ tán thành hay không tán thành về quyết định ấy hoặc kiến nghị xử lý… hoặc qua bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân.

9. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Cơ quan đảng phải có trách nhiệm giải thích, giải trình, hoặc thay đổi quyết định sai trái, xử lý những người sai phạm, từ chức cá nhân hoặc chịu truy tố… tùy theo mức độ sai phạm.

10. Là đảng cầm quyền, Đảng nắm và sử dụng quyền lực nhà nước, phát huy cao nhất quyền lực của nhân dân, vì nhân dân, Đảng cần có cơ chế độc lập kiểm soát quyền lực của Đảng từ bên trong và bên ngoài, phát huy dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền, Đảng cầm quyền theo Hiến pháp và luật pháp và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và luật pháp.

Hiện nay, chưa có luật về Đảng và nếu không ra luật về Đảng thì quy định như vậy ở điều 4 mới có tính khả thi và đủ mức cơ bản cần thiết về mức độ xác lập pháp về quyền, trách nhiệm nghĩa vụ của Đảng, phòng ngừa bệnh lạm quyền, suy thoái của đảng cầm quyền. Theo tôi, nhất thiết phải xây dựng luật về Đảng thì mới có khả năng phòng ngừa điều này.

Tá Lâm (lược ghi)