- Có thể có những tranh luận nhưng tuyệt đối không được áp đặt. Đây là nguyên tắc đảm bảo cho việc lấy ý kiến nhân dân về luật Đất đai sửa đổi - Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nêu.
 


Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín 
Ngày 6/3, TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân với dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Thanh Khuyến cho biết, nội dung dự thảo sửa đổi đưa ra lấy ý kiến nhân dân có nhiều điểm mới, trong đó có giá đất. Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khung giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với khung giá liên tục 180 ngày trở lên thì Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Ông Khuyến cũng cho biết, những điểm đổi mới còn hướng đến những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

“Với những đổi mới trong dự thảo, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Mặt khác, sẽ giảm khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong đất đai”, ông Khuyến nói.

Ông cũng cho rằng, những điểm mới của dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần này còn nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên đất…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần này cần khắc phục tình trạng lấy ý kiến không đầy đủ các góp ý của người dân.

Theo ông Tín, hiện nay có nhiều điểm cần phải nghiên cứu, cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. “Từ thực tiễn, tôi mong người dân thành phố phản ánh đầy đủ những ý kiến để hoàn thiện luật Đất đai sửa đổi. Không ai khác, người sử dụng đất là người hiểu và phản ánh sâu sắc nhất”, ông Tín nói.

Phó chủ tịch TP đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên, cần thiết mời thêm các chuyên gia, những người am hiểu về luật Đất đai ở các cơ quan luật pháp để hỗ trợ các ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về luật sửa đổi.

“Quá trình lấy ý kiến có thể có những tranh luận, thảo luận nhưng tuyệt đối không được áp đặt. Đây là nguyên tắc đảm bảo cho việc lấy ý kiến nhân dân về luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề nào chưa rõ, người dân hỏi thì báo cáo viên phải hướng dẫn, giải thích rõ ràng và tổng hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân”, ông Tín đề nghị.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về luật Đất đai sửa đổi từ nay đến hết ngày 31/3.

Tá Lâm