- Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc các tỉnh cho rằng dự thảo Hiến pháp phải khẳng định Mặt trận Tổ quốc là một bộ phận trong hệ thống chính trị để củng cố hiệu lực của tổ chức này thay vì chỉ tồn tại như vật "trang trí" hay một sự động viên.

Sáng nay (8/3), UB TƯ Mặt trận Tổ quốc VN đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

"Cây gậy hành động"

Đa số đại biểu tập trung bình luận, phân tích về điều 9 Hiến pháp sửa đổi.

Theo đó, dự thảo viết như sau: "MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức".

Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai phân tích, nội dung về "bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân" là một điểm mới. Thực tế, MTTQ phải thực hiện được chức năng nói trên thì mới tạo ra được vị thế riêng trong xã hội. "Chứ nếu không sẽ lại lép vế so với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, chẳng hạn so với HĐND", ông Lai quan ngại.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai

Cũng theo ông Lai, trong điều khoản về "Mặt trận đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân" thì không nên để cụm từ "cùng với Nhà nước”. Bởi vì Nhà nước cứ bảo vệ theo thẩm quyền Nhà nước, còn Mặt trận cũng có quyền và trách nhiệm đó. Thứ hai, không nên quy định là "tạo điều kiện” vì đã xem Mặt trận là một thành tố trong hệ thống chính trị, được đối xử công bằng bình đẳng thì dùng từ "tạo điều kiện” sẽ cảm thấy như bị động quá. Nó thể hiện mối quan hệ ban phát, bất bình đẳng.

Ông Lai cũng ủng hộ việc dự thảo tiếp tục nhắc lại vai trò phản biện và giám sát xã hội, tuy nhiên cần phải có những định chế mạnh mẽ hơn và đi kèm với nó là các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc này được áp dụng trong thực tế.

Vị Chủ tịch MTTQ Quảng Nam cho rằng dự thảo Hiến pháp phải khẳng định MTTQ là một bộ phận trong hệ thống chính trị để củng cố hiệu lực của tổ chức này thay vì chỉ tồn tại như vật "trang trí" hay một sự động viên. "MTTQ cần được trao cho cây gậy để hành động" - ông nói.

Chia sẻ với những ý kiến trên, ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa nói thêm, phải ghi rõ vào Hiến pháp rằng "MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị", để đảm bảo tính công bằng giữa các thành tố trong toàn hệ thống.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa Trịnh Ngọc Giao

Trong khi đó, ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nam Định đề xuất, cần có một chương riêng quy định về hệ thống chính trị. Trong chương này sẽ phải quy định rõ chức năng cũng như nguyên tắc vận hành của từng yếu tố trong toàn hệ thống.

Đề xuất bỏ thu hồi đất vì mục đích kinh tế

Nhiều đại biểu cũng góp ý cho điều 58 (Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội).

Đa số quan ngại rằng quy định như vậy về các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì có thể mở quá rộng quyền thu hồi đất của các cơ quan, tổ chức nhà nước và có thể dẫn đến tùy tiện xâm phạm quyền sử dụng đất của người dân. Có đại biểu cho rằng trong dự thảo Hiến pháp đã nói “thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng mà trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm, bao hàm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế - xã hội rồi” cho nên, không cần thiết phải bổ sung thêm nữa.

Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nam Định Lương Hùng Tiến

Ông Trần Bình Trọng (MTTQ tỉnh Kon Tum) phân tích, đây là một kẻ hở dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý đất đai.

Xem xét mối quan hệ giữa các quy định trong điều 58 rõ ràng có tồn tại một khoảng trống có lợi cho phía cơ quan nhà nước khi tiến hành quy trình thu hội đất của tổ chức và cá nhân (nhất là đối với cá nhân). Vì trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước thì cá nhân luôn nằm ở vị thế bất lợi cả về địa vị, về quyền lực. Bên cạnh đó quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, mà đã là tài sản thì việc thu hồi là không thỏa đáng.

"Tuy nhiên vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng thì người dân sẵn sàng ủng hộ việc nhà nước thu hồi đất có bồi thường. Nhưng nếu vì mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì nhà nước quyết định thu hồi đất đã giao cho người dân là không hợp lý, dễ gây tiêu cực và bất lợi cho người dân, dễ dẫn đến bất công trong quản lý đất đai", ông Trọng nói.

Theo ông, dự thảo cần phải xem xét đến cùng của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong việc thu hồi đất.

Ông Trọng đề xuất, có thể điều chỉnh lại khoản 3 điều 58 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trưng mua quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Chia sẻ với quan điểm trên, ông Lê Văn Lai khẳng định, nếu không áp dụng các hình thức trưng mua thì tình trạng khiếu kiện vẫn sẽ còn gia tăng gấp nhiều lần.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng