Hai kỳ họp hàng năm ở Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch 5 năm tới - trong đó kêu gọi sự chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và những dự án công trình công cộng sang một kinh tế được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng.


TIN BÀI LIÊN QUAN

Cải tổ - yêu cầu cấp bách

Lịch trình làm việc của cả Quốc hội lẫn Chính hiệp Trung Quốc (gọi tắt từ Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc) trong tuần này bao gồm các đề xuất tăng thuế xe hơi tiêu thụ nhiều năng lượng, cải thiện an toàn thực phẩm, ngăn chặn lái xe say rượu... Tuy nhiên, có sự không chắc chắn duy nhất về một chủ đề sẽ thu hút sự chú ý nhiều nhất của người dân: tương lai kinh tế Trung Quốc.

Hai kỳ họp hàng năm sẽ công bố kế hoạch 5 năm 2011- 2015, trong đó kêu gọi sự chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và những dự án công trình công cộng sang một nền kinh tế được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng.


Trung Quốc đang nỗ lực chuyển dịch kinh tế từ hướng xuất khẩu sang một nền kinh tế được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng. Ảnh: wantchinatimes.


Các nhà kinh tế học nước ngoài và giới lãnh đạo chính trị cho rằng, thay đổi này sẽ là một phần quan trọng của nỗ lực tái cân bằng thương mại toàn cầu. Tại Trung Quốc, nó được xem là yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng kinh tế đất nước và ổn định chính trị, xã hội.

Chưa rõ các nhà lãnh đạo có thể làm việc này thế nào. Kế hoạch 5 năm trước, đưa ra năm 2006, cũng từng đề xuất các biện pháp nhằm gia tăng thu nhập trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhưng cuối cùng, xuất khẩu và các dự án công cộng vẫn là trụ cột của kinh tế, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 10,3% năm 2010, cao hơn so với 2009 và cao hơn mục tiêu của chính phủ. Trong khi đó, tỉ lệ chi tiêu tiêu dùng lại giảm từ 2000 - 2009 còn 35,6%, bằng khoảng 2/3 mức ở nhiều quốc gia châu Á và một nửa so với Mỹ.

“Trong nhiều năm, họ đã nói tới tái cân bằng kinh tế và tăng chi tiêu hộ gia đình”, Arthur Kroeber, giám đốc quản lý hãng dự báo Dragonomics tại Bắc Kinh nói trong một cuộc phỏng vấn. Kế hoạch mới, ông cho biết, “cho thấy họ đã lắng nghe các nhà kinh tế học và có thực hiện, trong nguyên tắc, một cam kết mạnh mẽ hơn để cố gắng tạo lập một nền kinh tế hướng nội hơn”.

Nhưng Kroeber nhấn mạnh không mong chờ sớm có các kết quả. “Trung Quốc quá lớn nên bất cứ thay đổi nào sẽ diễn ra lâu dài hơn ở một quốc gia nhỏ hơn”, ông nói. “Đó là sự khác biệt giữa một siêu tàu chở dầu với một thuyền buồm”.

Và yêu cầu cải tổ đặt ra ngày một cấp bách. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc làm giàu có thêm vùng duyên hải phía đông và những thành phố lớn, nhưng lại bỏ đằng sau rất nhiều gia đình nông thôn. Thặng dư thương mại khổng lồ là một nguồn tạo ra sự va chạm ngày một lớn với Mỹ và các nước khác. Bất đồng có thể dẫn tới những cuộc chiến thương mại và tiền tệ, làm chậm đi sự phát triển của các nền kinh tế trên thế giới.

Phản ứng của các nhóm lợi ích

Hai cơ quan: Chính hiệp Trung Quốc và Quốc hội sẽ xem xét riêng biệt kế hoạch phát triển kinh tế mới nhất. Chính hiệp Trung Quốc khóa 11 đã khai mạc kỳ họp thứ tư vào chiều 3//3, là một cơ quan cố vấn; Quốc hội Trung Quốc sẽ khai mạc kỳ họp thường niên vào thứ bảy tới.

Các mục tiêu của kế hoạch kinh tế đã được quyết định trong một hội nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10 vừa qua, và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ phác thảo một số chi tiết trong bài phát biểu vào thứ bảy tới trước cả Quốc hội và Chính hiệp. Tuy nhiên, một số chi tiết đã được thông tin trên báo chí Trung Quốc và Internet.

Trong buổi hỏi đáp trực tuyến với người dân vừa qua, ông Ôn Gia Bảo cho hay, chính phủ sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cho 5 năm tới - mức thấp nhất trong lịch sử gần đây của Trung Quốc. Điều đó cho thấy, nhiều tỉ USD hiện đang được chi vào xây dựng và hỗ trợ tập đoàn có thể chuyển hướng sang gia tăng thu nhập hộ gia đình.

Chính phủ Trung Quốc cũng đề cập tới việc đề xuất Quốc hội thông qua việc nâng ngưỡng tối thiểu với thuế thu nhập cá nhân (hiện đang ở mức 2.000 nhân dân tệ - 304 USD/tháng). Các thông tin còn cho thấy, Quốc hội sẽ xem xét những biện pháp để cải thiện thu nhập của nông dân - những người được cho là hưởng lợi ít nhất từ sự thịnh vượng của đất nước.

Tuy vậy, phần lớn chi tiết kế hoạch hành động tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa được tiết lộ. Rất nhiều trong số này sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các nhóm lợi ích đã rất thịnh vượng trong suốt giai đoạn bùng nổ tăng trưởng, như các tập đoàn nhà nước hùng mạnh, những quan chức khu vực hay địa phương...

Theo Thẩm Ming Cao, nhà kinh tế học hàng đầu của Citibank tại Hong Kong, chính phủ Trung Quốc cần cắt giảm thuế, tăng lương và gia tăng chi tiêu xã hội nếu muốn nhu cầu tiêu dùng phát triển. “Về lý thuyết, họ nói rất chú tâm vào những lĩnh vực này”, ông nói. “Nhưng điều làm tôi tò mò là bao nhiêu tiền sẽ tới sau những lời nói ấy”.

Kế hoạch 5 năm sẽ bao gồm hàng loạt sáng kiến khác, bao gồm gia tăng hỗ trợ chính phủ với các công ty công nghệ cao và những ngành công nghiệp chiến lược, đề xuất giải quyết những vấn đề môi trường và chi dùng nhiều hơn cho y tế, lương hưu cùng những nhu cầu an sinh xã hội.

  • Thụy Phương (Theo Nytimes)