- Ký ức 25 năm trước ùa về với những cựu binh Trường Sa may mắn sống sót trở về từ trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trong buổi giao lưu tại Đà Nẵng sáng nay.
>> Hải chiến Trường Sa 1988: cá mập (KỲ 3)
>> Gặp những người lính trong trận hải chiến Trường Sa 1988
Những cái siết tay. Những vòng tay ôm choàng, lặng lẽ. Những giọt nước mắt khi nhớ về các đồng đội vĩnh viễn không trở về trong cái ngày tay không vũ khí đánh trả Hải quân Trung Quốc bảo vệ ngọn cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma.
Lễ tưởng niệm ngày hải chiến bảo vệ Trường Sa tại Đà Nẵng |
Câu chuyện trong buổi gặp mặt kỷ niệm ngày hải chiến bảo vệ Trường Sa 14/3/1988 vào sáng 14/3/2013 ở Đà Nẵng nghe như mới xảy ra hôm qua.
Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh cùng những cựu binh đã một thời nắm tay nhau bảo vệ đảo Gạc Ma năm nào bây giờ đầu đã bạc. Họ bồi hồi nhớ lại giây phút sinh tử lấy thân mình bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo Gạc Ma, viết nên khúc tráng ca bất tử.
“Khi đối mặt với quân Trung Quốc đông gấp nhiều lần, anh em chúng tôi thề sẽ cùng chết để bảo vệ đảo đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi không được lệnh nổ súng, chỉ có tay không đánh trả để bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo. Cuối cùng quân Trung Quốc đã dùng vũ lực với tàu to súng lớn đánh thẳng vào đảo Gạc Ma. Mặc dù toàn bộ anh em bảo vệ đảo hy sinh và bị thương nhưng đảo Gạc Ma vẫn còn…”, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kể.
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh và thượng tá Hoàng Văn Hoan, những nhân chứng sống từng chiến đấu bảo vệ Gạc Ma tại buổi giao lưu |
Thượng tá Hoàng Văn Hoan nhớ như in buổi sáng bi hùng của 25 năm về trước khi quân lính Trung Quốc với súng đạn yểm trợ từ tàu chiến đổ bộ lên đảo Gạc Ma đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng hải quân Việt Nam. Cuộc chiến không cân sức, toàn bộ 64 chiến sĩ đã hy sinh và hàng chục chiến sĩ khác bị thương. Nhưng lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi đảo Gạc Ma vẫn không rơi vào tay Trung Quốc.
Xúc động nhất trong buổi giao lưu là sự xuất hiện bất ngờ của cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, người đã từng chiến đấu cùng Anh hùng Nguyễn Văn Lanh bảo vệ đảo Gạc Ma sáng 14/3/1988.
Cựu binh Lê Hữu Thảo (giữa) |
Từ Hà Nội vào, ông Thảo nhớ lại những giây phút sinh tử khi đối mặt với quân Trung Quốc.
"Trường Sa là của Việt Nam. Mình
là người Việt Nam bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc có chi mà phải sợ.
Chính sự quả cảm đối mặt với quân thù bằng tay không đã khiến cho quân Trung
Quốc đông gấp nhiều lần với vũ khí trên tay vẫn phải cúi đầu khuất phục", ông
Thảo kể.
Trong buổi giao lưu, rất nhiều cựu binh Gạc Ma trở về hiện đang sinh sống tại Đà
Nẵng kể lại rằng khi đối mặt với cái chết, nhưng tất cả vẫn không hề run sợ.
Hình ảnh những người lính tay không bảo vệ đảo kết lại thành vòng tròn bảo vệ cờ
Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã khiến quân Trung Quốc phải khiếp sợ.
Cựu binh Dương Văn Dũng ở quận Cẩm Lệ bồi hồi nhớ lại: Lúc đó tôi là chiến sĩ đại đội 9 trung đoàn 83 công binh hải quân đi trên tàu vận tải HQ-604 của Đoàn 125. Khi thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy một lực lượng tiến vào cắm cờ trên đảo Gạc Ma và lực lượng công binh chuyển vật liệu lên đảo xây dựng thì lính Trung Quốc cũng tràn lên, ngang nhiên cắt dây cáp mà chúng tôi đã nối từ tàu vào đảo và nhảy vào giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng các chiến sĩ kiên cường giữ cờ. Chúng xả súng vào quân ta.
Thiếu úy Phương bị trúng đạn, hy sinh, hạ sĩ Lanh bị đâm vào lưng… Cùng lúc đó, tàu chiến Trung Quốc tới tấp nã pháo sang tàu ta. Tàu ta là tàu vận tải, đâu có pháo để bắn lại. Pháo địch bắn trúng cabin và nhiều vị trí trên tàu. Tàu tròng trành dữ dội. Nước ồng ộc chảy vào khoang tàu. Tàu chìm dần… Hầu hết anh em hy sinh và bị thương. Tôi và 8 đồng chí khác may mắn bám được các thanh gỗ, thanh ván, bồn dầu…, trôi dạt giữa biển khơi, đến chập choạng tối thì bị tàu Trung Quốc bắt - ông Dũng nhớ lại.
Trao quà cho các gia đình liệt sĩ bảo vệ Gạc Ma |
Cũng trong buổi sáng giao lưu cựu
binh Gạc Ma, người cha già của liệt sĩ Trần Văn Tài ở phường Hòa Cường Bắc là cụ
Trần Huỷnh lọ mọ chống gậy đến dự. Cụ Huỷnh vẫn nhớ như in cái
ngày nhận được tin con trai út của mình vĩnh viễn nằm lại đảo Gạc Ma cách đây
hơn 25 năm.
Cụ bảo dẫu chưa tìm được hài cốt con, nhưng nghe đồng đội kể lại những giờ phút
tay không chiến đấu với kẻ thù bảo vệ đảo, cụ vô cùng tự hào về người con quả
cảm của mình.
Buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma lần đầu tiên tổ chức
tại Đà Nẵng đã trở thành sự kiện thu hút giới trẻ tham gia.
Vũ Trung