- "Chính quyền địa phương hiện nay quá cồng kềnh, gần như chỉ là một bản sao của chính quyền Trung ương, theo mô hình Trung ương có gì thì ở dưới có cái đó", ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhận xét tại hội nghị ĐBQH chuyên trách góp ý Hiến pháp sáng nay (14/3).

Phân biệt chính quyền nông thôn và đô thị

Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là tổ chức chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị trong chương 9 dự thảo.

ĐBQH Lê Thị Nga kiến nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội

Theo Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, do luật hiện hành chưa phân biệt sự khác nhau một cách cơ bản giữa hai mô hình này nên gần như tổ chức bộ máy và cách thức hoạt động được áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước.

Thực tế, bằng nhiều cách khác nhau, các tỉnh, thành phố giữ vị trí trung tâm, động lực kinh tế, chính trị đã luôn luôn đề nghị TƯ cho họ những chính sách riêng để cởi trói. Cá biệt, một số địa phương đã có những quy định vượt rào để đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý.

Bà Nga cho rằng, nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên các quy định cũ thì sẽ tiếp tục gây khó khăn cho sự phát triển của các địa phương này. Còn nếu lại cho mỗi nơi một cơ chế riêng như vừa qua sẽ tạo sự thiếu thống nhất trong thực hiện quy định chung của pháp luật cũng như không đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Bà Nga đề xuất Hiến pháp lần này nên có quy định mang tính nguyên tắc để phân biệt chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho luật Tổ chức chính quyền địa phương đưa ra những nội dung nêu sự khác biệt rõ rệt của từng mô hình.

Chia sẻ với các ý kiến trên, ông Nguyễn Sỹ Cương (ĐBQH Ninh Thuận) nói thêm, thực tế cấp chính quyền địa phương hiện nay quá cồng kềnh, gần như chỉ là một bản sao của chính quyền Trung ương, theo mô hình ở Trung ương có gì thì ở dưới có cái đó. Chưa kể tình trạng bất ổn về địa giới hành chính, hết chia tách rồi lại sáp nhập.

Đề xuất bỏ quy định thu hồi đất vì dự án kinh tế

Liên quan đến quy định nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế, xã hội (điều 58), bà Lê Thị Nga bình luận, đây là một quy định quá rộng, rất dễ bị lạm dụng.

Theo bà Nga, việc nhà nước đứng ra thu hồi quyền sử dụng đất cũng phải hết sức có giới hạn và chỉ nên dừng lại ở lý do: thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, dự án phi lợi nhuận. Luật Đất đai hiện hành nêu rõ: Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Cụm từ "các dự án lớn" sau đó đã được làm rõ, bao gồm nhiều lĩnh vực như "dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch thuộc nhóm A".

Bà Nga phân tích, những quy định nói trên cùng với việc triển khai trong thực tế đã góp phần tạo ra không ít kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực.

"Hiến pháp hiện hành không có quy định về thu hồi tài sản nói chung và tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng. Phải chăng tư tưởng của Hiến pháp 92 đã không hề thừa nhận việc chúng ta dùng pháp luật hành chính để điều chỉnh quyền dân sự thông  qua cơ chế thu hồi", bà Nga nêu câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Cần đề cao vai trò của Thủ tướng và các bộ trưởng trong Hiến pháp

Bà Nga kiến nghị dự thảo Hiến pháp phải bỏ đi quy định "thu hồi vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội" bởi nới rộng ra như vậy sẽ dễ bị lạm dụng trong thực tế, gây thiệt thòi cho dân.

ĐBQH Nguyễn Thanh Tùng (Sóc Trăng) phân tích, không nên nhóm chung "dự án phát triển kinh tế xã hội" với "quốc phòng an ninh", nếu không sẽ lại tái diễn tình trạng trục lợi, khiếu kiện xã hội, lợi ích nhóm.

Nhiều ĐB cũng chỉ ra, bất cập trong cơ chế thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội vốn đã bộc lộ suốt nhiều năm nay, với các hệ lụy như khiếu kiện tập thể, khiếu nại tố cáo kéo dài, tham nhũng... Nếu dự thảo Hiến pháp giữ nguyên quy định trên thì vô hình trung đã hiến định cho một vấn đề vốn được xem là cội nguồn của bất ổn.

     Tránh hiện tượng 'kính chuyển phó thủ tướng'

"Tôi đề xuất sửa đổi điều 100 thành "Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ" (bỏ cụm từ "các phó thủ tướng"-PV). Cần đề cao vai trò của Thủ tướng và các bộ trưởng. Đây là nguyên tắc hiến định mà nhiều nước đã thể hiện.

Vai trò điều hành của Thủ tướng và cá nhân các bộ trưởng sẽ rõ ràng hơn, tránh tình trạng bộ trưởng chỉ biết việc của bộ ngành mình, trong khi hoạt động của Chính phủ lại cần rất nhiều sức làm việc tập thể.

Phó Thủ tướng cũng chỉ là thành viên khác trong Chính phủ. Sửa như thế để tránh hiện tượng các bộ trưởng lại tiếp tục kính chuyển lên các vị phó thủ tướng. Cũng tránh đi tình trạng cần quá nhiều phó thủ tướng để phụ trách và chuyển việc". (ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương)


Lê Nhung
- Ảnh: Minh Thăng