- Kỷ nguyên của ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vừa kết thúc, di sản để lại là tăng trưởng kinh tế và cả những vấn nạn như tham nhũng, ô nhiễm môi trường...

Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thập kỷ qua. Ảnh: dpa

Ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã bước sang bên cho một đội ngũ trẻ trung hơn. Dưới sự lãnh đạo của họ, Trung Quốc đã trải qua một "thập kỷ vàng": trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thịnh vượng đến với hàng triệu người, các thành phố mới với hàng loạt tòa nhà chọc trời xuất hiện, mạng lưới đường cao tốc, đường sắt hiện diện khắp nơi, Olympic Bắc Kinh gây tiếng vang lớn và một vị thế mới trên vũ đài quốc tế.

Hầu như không có tranh cãi về sự bùng nổ kinh tế - hay ít nhất là tại các thành phố ven biển hưởng lợi chính từ phát triển.

Tuy nhiên, song hành với sự bùng nổ ấy là lạm phát, đầu cơ, tham nhũng và ô nhiễm. Trong khi nhiều người Trung Quốc được hưởng phần rất khiêm tốn từ thịnh vượng thì các vấn nạn lại ảnh hưởng tới họ từng ngày từng giờ trong cuộc sống. Như một người dân ở Bắc Kinh mô tả: "Giá nhà tăng cao rồi lại sụt giảm, không ổn định. Lạm phát cao, ô nhiễm ở các thành phố như Bắc Kinh thì thật kinh khủng".

Nạn nhân hữu hình

Các nhà phê bình cho rằng, cái giá cho sự tăng trưởng của Trung Quốc là khá cao. Nạn nhân hữu hình nhất chính là môi trường, vốn đang phải đối mặt với sự tàn phá ở quy mô cực lớn. Và Trung Quốc còn làm quá ít trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Có thể coi giai đoạn lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là thành công. Giai đoạn ấy chứng kiến Trung Quốc giàu có, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008; tạo dựng lòng tự tôn và vị thể quốc gia. 

Hai ông cũng chủ trì một kỷ nguyên của những cuộc khủng hoảng mà họ có thể kiểm soát và ngăn chặn. Đó là bão tuyết đầu năm 2008, xuất khẩu chao đảo năm 2009, sự bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương 2008-2009, và bê bối chính trị cấp cao Bạc Hy Lai năm 2012. Vượt qua tất cả, ông Hồ Cẩm Đào trở thành người kiến tạo sự đồng thuận, còn ông Ôn Gia Bảo thì thực hiện chức năng người thực thi trung thành, tạo dựng hy vọng hướng tới cải cách.

Tai nạn tàu cao tốc năm 2011 thể hiện nạn tham nhũng và chất lượng công trình nghèo nàn trong hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một mở rộng của Trung Quốc. Ảnh: AP

Câu hỏi có ngay lời đáp?

Trong báo cáo trình trước quốc hội Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã liệt kê hàng loạt thách thức mà nước này phải đối mặt: tăng trưởng chậm lại, bất ổn định và không cân bằng; các dịch vụ xã hội, hưu trí và y tế cần nâng cấp; vấn đề tham nhũng, ô nhiễm đất, không khí, nước và an toàn thực phẩm ngày càng cấp bách.

Đội ngũ lãnh đạo của Trung Quốc cũng nhận thấy rằng, trong mắt nhiều người dân, quyền lực của họ đang bị xói mòn. Họ cũng biết rằng có những câu trả lời không mấy dễ dàng. Giải quyết ô nhiễm là một ví dụ. Lãnh đạo Trung Quốc biết đó là vấn đề khiến dân thường ngày càng bất mãn, nhưng họ lại có quá ít giải pháp.

"Chúng ta nên thông qua những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm", ông Ôn Gia Bảo nói nhưng không liệt kê các giải pháp ấy là gì.

Sự dè dặt của ông Ôn Gia Bảo có thể là vì ông sắp về hưu. Đội ngũ lãnh đạo mới có thể tạo dựng niềm tin ở các chính sách mới. Nhưng cũng có thể là vì rất nhiều vấn đề ở Trung Quốc khó giải quyết bởi sự thận trọng, bởi lo ngại có bước đi sai lầm, bởi sợ về những hậu quả không mong muốn và ảnh hưởng lợi ích.

Lại lấy ô nhiễm ra làm ví dụ. Giảm bớt nó đồng nghĩa với việc áp dụng các khung chi phí mới cho nhiều ngành công nghiệp để họ làm sạch môi trường. Một số ngành trong đó do nhà nước quản lý, số khác là các doanh nghiệp tư nhân với bài toán cạnh tranh ngày càng gay gắt mà chi phí đóng vai trò chủ chốt. Những quy định mới có thể buộc họ phải giảm quy mô lao động. Và với tầng lớp lãnh đạo mới, điều gì tồi tệ hơn - ngày càng có nhiều người thất nghiệp vật lộn tìm kiếm việc làm hay bầu không khí bẩn hơn mà dân bắt buộc phải thở ra hít vào. Điều này không dễ có lời đáp.

Câu trả lời có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Ôn Gia Bảo. "Phát triển vẫn là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục phát triển kinh tế như một nhiệm vụ trung tâm và đặt hoàn toàn chú tâm của chúng ta vào nó. Đô thị hóa là một nhiệm vụ lịch sử. Chúng ta có thể thúc đẩy mục tiêu bằng việc tôn trọng cải cách và mở cửa".

Thái An