Kế hoạch xây dựng một tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc bằng cách sử dụng các lò phản ứng của tàu ngầm hiện có đã rung lên những hồi chuông báo động với Ấn Độ.

Tàu sân bay đầu tiên của TQ. Ảnh: AP

New Delhi quan ngại rằng, các tàu chiến này có thể được sử dụng để tuần tra Ấn Độ Dương - khu vực cách bờ biển Trung Quốc tới 2.500km. Có phải Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh ở không gian chiến lược của Ấn Độ và phản ứng của New Delhi sẽ thế nào?

Thông tin trên trang web của tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã “gây bão” trên Internet khi cho biết, xưởng đóng tàu lớn nhất của quân đội nước này sẽ chế tạo một con tàu sân bay hạt nhân với các lò phản ứng có thể dựa vào những lò phản ứng phục vụ tàu ngầm hiện có. Chỉ trong ít ngày, thông tin này được gỡ bỏ khỏi trang web, nhưng cũng đủ để hải quân Ấn Độ dự đoán rằng, Trung Quốc có kế hoạch tăng cường sự hiện diện chiến lược và lâu dài ở Ấn Độ Dương cách xa bờ biển nước này hàng nghìn km.

Các dự đoán trở nên rõ ràng hơn kể từ năm 2008 khi một căn cứ tàu ngầm bắt đầu hoạt động trên đảo Hải Nam, Trung Quốc sát gần với eo biển Malacca. Những tháng gần đây, còn có nhiều tin cho rằng, Bắc Kinh đang thúc Maldives cho phép sự hiện diện của một căn cứ tàu ngầm. Sau đó là dự án sân bay Trung Quốc tại Hambantota của Sri Lanka và gần đây là cảng Gwadar của Pakistan đã được nạo vét sâu tới 14m tạo điều kiện để các tàu lớn cập cảng.

Chuẩn đô đốc nghỉ hưu của Ấn Độ Raja Menon nói: "Đó là những nơi tiềm năng lớn, cho dù có trở thành căn cứ hay không thì đó cũng là bước tiến lớn, vì nó đồng nghĩa với việc chấp thuận đối đầu với Ấn Độ khi tạo điều kiện để Trung Quốc lập căn cứ. Từ quan điểm này có thể xem chọn lựa tốt nhất tập trung vào Gwadar”.

Tiến sĩ Sreekanth Kondapalli, chuyên gia phân tích về hải quân Trung Quốc nhấn mạnh: "Là một cường quốc hải quân khu vực, Ấn Độ có lợi thế rất lớn do gần gũi với Khu vực Ấn Độ Dương, nhưng Ấn Độ không thể tuyên bố có quyền sở hữu khu vực vì đại dương lớn thứ ba thế giới này luôn tồn tại những nguyên tắc hàng hải mở”.

Theo các nhà chiến lược hải quân, Ấn Độ nên chế tạo tàu sân bay hạt nhân của riêng mình và đối phó với Trung Quốc ở các vùng biển phía đông, phía nam. Nước này cũng nên thành lập các liên minh với hải quân Nhật và Hàn Quốc trong mục tiêu đối trọng hải quân Trung Quốc.

Một cuộc đối thoại hàng hải giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề Ấn Độ Dương và Biển Đông sẽ có thể là biện pháp xây dựng lòng tin một cách hữu ích. Tuy nhiên, Trung Quốc không thích điều này. Trong khi Bắc Kinh không coi Ấn Độ Dương là vùng biển của Ấn Độ thì các hành động gần đây của Trung Quốc lại minh chứng rõ ràng rằng, họ coi Biển Đông là vùng biển của mình.

Trong một tin tức liên quan tới quan hệ Trung - Ấn, các cơ quan an ninh Ấn Độ đang chuẩn bị kế hoạch đối phó thông qua đầu tư và thương thảo ngoại giao vì lo lắng trước việc Trung Quốc ngày càng can dự nhiều hơn tới các án vệ tinh và viễn thông tại những quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Bangladesh và Maldives.

Thái An (theo ibnlive, telegraphindia)