- Chọn chế độ sở hữu đất đai phải xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước. Sở hữu toàn dân hay đa sở hữu đều mang tính tương đối, không phải hình thức nào cũng vạn năng.
PSG.TS Nguyễn Quang Tuyến (ĐH Luật Hà Nội) nêu quan điểm tranh luận trên tại tọa đàm góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 liên quan sở hữu đất đai do báo Quân đội nhân dân tổ chức chiều 21/3 tại Hà Nội.
Đâu phải đũa thần kỳ
Ông Tuyến, người có thâm niên nghiên cứu về Hiến pháp của các nước trên thế giới, khẳng định chắc rằng không có hình thức sở hữu nào ưu tuyệt đối hoặc nhược tuyệt đối.
Ngay ở các nước chọn hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì vẫn có vai trò của Nhà nước quản lý, điều tiết. Ở Việt Nam, chọn chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, thì dường như quyền sử dụng đất của người dân cũng có tương đồng lớn so với sở hữu tư nhân (12-13 quyền).
Ông Nguyễn Quang Tuyến (thứ 3 từ trái sang) |
Chiểu theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, ông Tuyến cho rằng, mọi tranh luận về hình thức sở hữu đất đai (khi sửa Hiến pháp) cũng phải xem xét thấu đáo, không phải chuyện “bắt chước” nước này, nước khác. Những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay không nên quy cho gốc vấn đề là hình thức chế độ sở hữu nào. Ông cho rằng, bản thân nó không phải “đôi đũa thần kỳ” vạn năng, có thể thay đổi tất cả.
“Những bức xúc của người dân là ở câu chuyện giải phóng mặt bằng, đền bù giá thành thấp, tham nhũng trong quản lý đất đai. Nó không nằm ở quy định của Hiến pháp mà thiết kế luật pháp để hiện thực hóa trong cuộc sống phải đảm bảo đủ sức mạnh thực thi vì quyền lợi của người dân. Tôi xin khẳng định thay đổi hình thức sở hữu không thể thay đổi những khuyết tật, bất cập. Nếu chỉ nhận thức vấn đề như vậy thì đơn giản quá” - ông Tuyến cho hay.
Theo ông, không thể có chuyện dân ở tỉnh này cách tỉnh kia một bờ mương (giáp ranh) mà giá đất đền bù khác nhau một trời một vực. Hay thu hồi đất của dân phục vụ cho dự án “phát triển kinh tế xã hội” đền bù có vài trăm ngàn một mét, trong khi đất thu lại kiếm lời cho chủ đầu tư (tư nhân) chênh lên vài chục triệu đồng. Thiếu bàn tay điều tiết lợi ích của nhà nước, dân đương nhiên bức xúc, đòi khiếu kiện vì không công bằng.
PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, Phó trưởng khoa hành chính - nhà nước, ĐH Luật Hà Nội đồng tình rằng, thực trạng quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua “mắc” không phải do vấn đề sở hữu. Nếu chuyển thành đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân, với nền tảng, “di sản thực trạng” đang đặt ra như hiện nay thì chắc chắn sẽ có những bất ổn cho quản lý.
Ngược lại, nếu không theo hình thức đa sở hữu, cần quay lại nhìn nhận hiệu quả sử dụng, quản lý đất đai hiện nay có vấn đề.
“Những khảo sát cho thấy dân bức xúc vấn đề quản lý. Nếu luật pháp, quản lý được khắc phục chắc chắn dân sẽ ủng hộ. Việt Nam đã xác định mô hình đi lên chủ nghĩa xã hội. Một chế độ sở hữu đất đai toàn dân như thế là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu này” - theo ông Đoan.
Sở hữu toàn dân ra sao?
GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong Hiến pháp và luật Đất đai của Việt Nam chưa quy định quyền chiếm hữu ruộng đất. Do lẫn lộn quyền sở hữu với quyền chiếm hữu nên mới có ý kiến muốn thay đổi hình thức thành đa sở hữu đất đai.
Ông Đỗ Thế Tùng |
“Hiến pháp và luật quy định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng vẫn thừa nhận đa chiếm hữu, gồm cả chiếm hữu tư nhân và chiếm hữu công cộng dưới nhiều hình thức. Nếu không quy định quyền chiếm hữu sẽ dẫn đến tình trạng đất vô chủ” - ông Tùng cho hay.
Không đồng tình với ý kiến GS Tùng, ông Tuyến cho rằng, “đặc thù” của Việt Nam là chiếm hữu mà không sử dụng thì luật pháp thu hồi. Không có chuyện anh được giao đất không sử dụng mà được giữ, trong khi người khác lại không có để sử dụng. Do đó, ở Việt Nam, chiếm hữu phải sử dụng. Không thể tách rời chiếm hữu và sử dụng.
Song ông Tuyến cho rằng, khái niệm “sở hữu toàn dân” cần phải được làm rõ. Hiểu như hiện nay là quá rộng, chung chung.
“Nói như hiện nay mang khái niệm chính trị nhiều hơn. Trong khoa học pháp lý, cần được làm rõ, cụ thể, phải phân biệt rõ quyền sở hữu giữa Nhà nước và người dân ra sao” - ông Tuyến cho hay.
GS Đỗ Thế Tùng cũng lưu ý, làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” để phân biệt với khái niệm “sở hữu nhà nước thuần túy”. Ví dụ như trụ sở của UBND là thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước nắm cả 3 quyền: sở hữu, chiếm hữu và sử dụng trụ sở đó.
Còn ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân nghĩa là nhà nước chỉ đại diện cho nhân dân nắm quyền sở hữu, còn quyền chiếm hữu và quyền sử dụng phải giao cho tư nhân (hộ, chủ trang trại), hoặc cộng đồng (hợp tác xã, nông trường quốc doanh…).
Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng