- Trả lời chất vấn trước Thường vụ QH sáng 22/3, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thừa nhận hiện tượng cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, chạy án là có thật.
Không loại trừ tiêu cực
Vấn đề xét xử án tham nhũng nhận
được nhiều câu hỏi chất vấn. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị Chánh án
cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng cho hưởng án treo đối với các vụ án
tham nhũng.
ĐB Đỗ Văn Đương |
Đáp lời, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho hay, tỉ lệ án treo trên các án tham nhũng đã giảm nhiều.
Cho rằng câu trả lời của Chánh án “chưa rõ, chưa thuyết phục”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) truy tiếp: Thực tế, tỉ lệ án tham nhũng cho hưởng án treo vẫn cao. Cử tri không đồng tình, cho rằng có tiêu cực trong xét xử.
Ông Hồng yêu cầu Chánh án cho biết việc cho hưởng án treo đối với các tội phạm tham nhũng có đúng pháp luật? Có hay không tiêu cực trong xét xử, dẫn đến tình trạng cho hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng cao như vậy?
Việc giảm tỉ lệ cho hưởng án treo trong các án tham nhũng là thống kê khách quan - Chánh án khẳng định.
Ông nêu rõ, về án treo không đúng pháp luật, QH đã nhiều lần có ý kiến, Chánh án cũng đã có báo cáo trước QH. Việc cho hưởng án treo không đúng pháp luật là một thực tế.
“Có hiện tượng này không loại trừ tiêu cực. Với trách nhiệm tòa án, cơ quan hữu quan phối hợp xem xét, nếu phát hiện tiêu cực, sẽ kiên quyết xử lý”.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng: Tỉ lệ án tham nhũng cho hưởng án treo vẫn cao. Cử tri cho
rằng có tiêu cực trong xét xử
Cũng liên quan đến án tham nhũng, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn lại một loạt các vụ án tham nhũng được nêu trong báo chí, trong đó cùng một hành vi, nhưng một trường hợp xử tội nhận hối lộ nhưng ở tỉnh khác xử tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, và mức xử phạt cũng khác nhau. “Có thực tế bức tranh xét xử tội tham nhũng của ta không thống nhất. Vậy trách nhiệm của Tòa án đến đâu?”, ĐB Hiến nêu. “Thông tin báo chí dày đặc thế, sao Tòa án lại không kháng nghị, xem xét lại?”.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, giới hạn xét xử của tòa án quy định tòa chỉ xét xử tội danh theo đề nghị của VKS và cơ quan điều tra. Khi xét xử, tòa không được xử ở tội danh cao hơn. Trong quá trình thụ lý thấy dấu hiệu của tội phạm khác, Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu cơ quan điều tra, VKS đề nghị truy tố theo tội mới thì sẽ xét xử theo tội danh mới. Còn nếu không, thì tòa án phải xét xử theo đề nghị.
Liên quan đến các vụ việc mà báo chí nêu, Chánh án cho hay, ông xem báo chí là nguồn thông tin quan trọng, thường xuyên cho thanh tra, kiểm tra các trường hợp được nêu. Có trường hợp đã xét xử lại. Về từng vụ việc cụ thể, Chánh án sẵn sàng trả lời bằng văn bản tới đại biểu.
“Xin chịu trách nhiệm”
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lại thực tế gần đây có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, chạy án. Trong khi đó tỉ lệ án sửa, hủy do phán quyết sai còn cao. Phải chăng công tác quản lý cán bộ của ngành có vấn đề? Trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý cụ thể như thế nào?
Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận, hiện tượng ĐB Vinh nêu ra là có thật. Đã có một số cán bộ vi phạm kỉ luật, có trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chất lượng giải quyết vụ án, dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa cao. Tỉ lệ án phải hủy, sửa giảm chưa mạnh. Đây là thực tế đòi hỏi thời gian mới khắc phục bằng nhiều giải pháp, Chánh án cho hay.
Trách nhiệm của cá nhân Chánh án,
của ngành là vấn đề chiếm tỉ lệ lớn trong các câu hỏi chất vấn gửi tới Chánh án
Trương Hòa Bình.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Sẽ nỗ lực hết sức để "dân tin hơn ở tòa" |
Một loạt đại biểu truy trách nhiệm của Chánh án với tình trạng án tuyên không rõ ràng, dẫn đến không thi hành được trên thực tế, cũng như việc chậm xét xử gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật. Chánh án cho biết “với án tuyên không rõ ràng, trách nhiệm tòa án là có. Chất lượng xét xử của thẩm phán là có vấn đề. Cá nhân tôi xin nhận khuyết điểm này”.
Nhắc lại 8 chỉ tiêu nêu trong nghị quyết của QH nêu bao gồm không để xảy ra trường hợp kết án oan người phạm tội; khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng…, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn liệu Chánh án có làm được không? Bao giờ thì đảm bảo được?
Theo Chủ tịch QH, nếu làm được theo nghị quyết QH, chất lượng xét xử, chất lượng cán bộ sẽ lên cao. Tiêu cực, nhũng nhiễu, oan sai sẽ đỡ.
Đáp lời, Chánh án Trương Hòa Bình “biểu thị quyết tâm của toàn ngành sẽ thực hiện, đạt hoặc gần đạt 100%”. “Nếu không đạt được, Chánh án xin chịu trách nhiệm trước QH”.
Sẽ gắng để dân tin tòa án
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu thực tế, hiện nay, người dân không dám khởi kiện ra tòa hành chính. Một mặt vì dân chưa quen khởi kiện cơ quan nhà nước. Một mặt họ chưa tin vào sự công bằng của tòa giữa một bên là công dân và cán bộ, cơ quan nhà nước.
Theo Chánh án TANDTC, trước đây ngành tòa án thụ lý theo pháp lệnh rất ít vụ. Với nỗ lực lớn, TANDTC đã tham mưu xây dựng luật Tố tụng hành chính, thẩm quyền mở rộng cho tòa án rất lớn.
“Có luật, dân bắt đầu tin và chọn con đường giải quyết bằng tòa án tăng. Có năm tăng vài trăm phần trăm”.
Ông Bình cũng thừa nhận, mức tăng này chưa như trông đợi. Có nhiều nguyên nhân, có thể niềm tin của dân với tòa án còn có chừng mực.
Dân sẽ tin tòa án hơn khi chất lượng xét xử các vụ án hành chính cần nâng lên với điều kiện có được đội ngũ cán bộ giỏi.
Người đứng đầu ngành tòa án hứa sẽ nỗ lực hết sức để "dân tin hơn ở tòa".
Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng