- Một tiến sĩ kinh tế, cựu trưởng phòng một cơ quan cấp bộ, cách đây 2 năm quyết "dứt áo ra đi" sang DN tư nhân, nay đang nghĩ về cơ hội trở lại, với lời khẳng định 'tôi không hâm, cũng không mưu cầu danh lợi'.

>> Vì sao tôi dứt áo ra đi?
>> Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui
>> Dứt áo ra đi, làm lại từ đầu đâu phải dễ


LTS: Xuất hiện trên ti vi tối chủ nhật, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình hào hứng bày tỏ niềm vui khi Bộ vừa tổ chức kỳ tuyển dụng công chức đầu tiên bằng trắc nghiệm trên máy tính - hình thức mà Bộ tin rằng sẽ giúp nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc cho Nhà nước.

Đề cập đến câu chuyện chất lượng công chức, thực ra, không chỉ Bộ Nội vụ mà bất cứ cơ quan nhà nước nào không phải không từng có người tài, nhiều lý tưởng, hoài bão muốn cống hiến. Nếu không nói những "nhân lực chất lượng cao" từng quy tụ ở khu vực này không ít.

Song rất nhiều người đã "dứt áo" ra đi. Vì nhiều lẽ. Từ lương bổng, cơ chế, môi trường làm việc...

Hai năm trước, VietNamNet ghi lại câu chuyện của một tiến sĩ kinh tế, trưởng phòng một cơ quan cấp bộ sau 17 năm gắn bó đã quyết "dứt áo ra đi" sang một doanh nghiệp tư nhân.

Bây giờ, anh đang nghĩ về cơ hội... trở lại đóng góp cho khu vực nhà nước.

Đánh thức tiềm năng 'ngủ quên'

Đã 2 năm trôi qua kể từ khi anh dứt áo rời cơ quan Nhà nước sang làm cho một doanh nghiệp cổ phần lớn. Anh đã thu được những gì?

Tôi đã thu được khá nhiều. Từ một công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”, sang một môi trường mới, tôi đã nhanh chóng hòa nhập được với nhịp độ công việc sôi động, khẩn trương của doanh nghiệp. Tôi trở nên năng động, linh hoạt hơn và quan trọng là, được thỏa sức phát huy hết những tiềm năng đã từng “ngủ quên” của bản thân. Sau hai năm, tôi thấy mình “lớn” lên rất nhiều, tinh thần cũng thoải mái, vui vẻ hơn. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là được đồng nghiệp ghi nhận và quý mến. 

So sánh là khập khiễng. Nhưng anh có thể làm so sánh một cách ngắn gọn giữa cơ quan ngày xưa và doanh nghiệp hiện tại? 

Bạn có thể hình dung thế này nhé: Ngày trước, tôi luôn có cảm giác là mình đang ngồi trong một căn phòng tiện nghi ở trên cao. Mọi thứ, từ suy nghĩ, lời nói đến hành động đều đóng khung trong căn phòng đó. Công việc hàng ngày thì giống như là một phần mềm được lập trình sẵn, từ chuyện họp hành, xử lý công việc cho đến cả phương pháp làm việc. Nhiều khi, tôi rất muốn vượt ra ngoài khuôn khổ đó, nhưng không thể và đã đành chấp nhận an phận thủ thường trong gần 20 năm trời.

Thí sinh thi vào Bộ Nội vụ làm bài trắc nghiệm trên máy tính, tháng 1/2013. Ảnh: LAD

Khi sang doanh nghiệp, tôi như được sống trong một ngôi nhà luôn rộng cửa với xung quanh, được hòa mình vào nhịp sống sôi động và “được va vấp” nhiều hơn nên cũng trở nên “khôn” hơn. Tôi được trao quyền chủ động trong xử lý công việc, được khuyến khích sáng tạo và dĩ nhiên, tôi thấy hứng thú làm việc.

Khi “va chạm” với công việc ở doanh nghiệp, tôi mới thấy nhiều chính sách, quy định của cơ quan nhà nước nặng tính sách vở, thậm chí quan liêu nên không phù hợp với thực tiễn. Nhưng thôi, đấy lại là một chủ đề khác rồi.

Điều anh đặc biệt thích ở doanh nghiệp bây giờ?

Sau khi rời cơ quan nhà nước, tôi may mắn khi được vào làm việc tại một doanh nghiệp cổ phần lớn. Điều tôi thích thú thì rất nhiều, ví dụ như những thành quả rất ấn tượng mà doanh nghiệp đã đạt được, triết lý kinh doanh đầy tính nhân văn, những mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi, rồi cả định hướng chiến lược rất bài bản của doanh nghiệp.

Nhưng điều mà tôi đặc biệt thích chính là lời giải đầy táo bạo, mang tính sáng tạo, đột phá cao mang lại lợi ích thiết thực cho rất nhiều người dân. Và tôi có thêm căn cứ để khẳng định rằng, dù ở đâu thì vai trò của người đứng đầu cũng đều đóng vai trò quyết định đến sự thành bại, sống còn của một tổ chức. Nơi tôi đang làm việc may mắn có được một người đứng đầu vừa có tâm, vừa có tầm và khát khao cống hiến.

Nhưng, nói thật, càng trải nghiệm, tích lũy ở môi trường bên ngoài, tôi lại nghĩ về cơ hội... trở lại đóng góp cho khu vực nhà nước.

Chờ trở lại

Nhiều người sẽ nghĩ anh xạo khi đã dứt áo sau 17 năm - chuyện không phải dễ gì?

Tôi đang có một vị trí công việc rất tốt, trong một môi trường lý tưởng với mức thu nhập khiến tôi không cần phải quan tâm đến  chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Chỉ mới 2 năm làm việc nhưng tôi đã thấy rất gắn bó với nơi này. Cũng như các đồng nghiệp, tôi thấy rất hài lòng với công việc hiện nay.

Nói thật, về tiền bạc thì tôi không dư dả gì nhưng hình như nhu cầu vật chất của tôi không cao lắm. Khi làm công chức, lương “3 cọc 3 đồng”, tôi vẫn thấy ổn. Đến bây giờ, khi thu nhập lên đến “30 cọc, 30 đồng” tôi vẫn không thấy khác biệt gì nhiều. Tất nhiên, khi thu nhập tăng lên thì ai cũng “mạnh tay” hơn trong các khoản chi tiêu và ít phải so đo, cân nhắc khi cần mua sắm. 

Cái lý do khiến tôi manh nha ý định quay về, nếu nói ra, nhiều người sẽ cho là tôi “xạo” (cười). Ngẫm lại, tôi thấy lý thuyết của nhà tâm lý học Abraham Maslow đưa ra về "Tháp nhu cầu" 5 tầng rất đúng. Tầng thứ nhất gồm các nhu cầu  căn bản nhất thuộc "thể lý" như đồ ăn, nước uống, nơi ở, hít thở, nghỉ ngơi.

Tầng thứ hai gồm các nhu cầu an toàn về thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản.

Tầng thứ ba gồm các nhu cầu được giao lưu tình cảm, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.

Tầng thứ tư gồm các nhu cầu được quý trọng, kính mến, tin tưởng. Tầng thứ năm gồm nhu cầu tự thể hiện bản thân, cống hiến và được thừa nhận.

Nếu nói mình đang ở tầng nào dễ bị đánh giá là thiếu khiêm tốn, nhưng phải nói thật là khả năng của tôi có thể cống hiến được nhiều hơn nữa nếu có môi trường phù hợp. Và thực sự là tôi rất mong muốn điều đó.

Tôi không... hâm

Ngày xưa khi ra đi anh nói nhiều đến môi trường làm việc, nói đến những hình tượng "Hòa Thân", "Lưu Gù", đến sự trọng dụng? Bây giờ một cơ quan như thế nào sẽ khiến anh lại dứt áo... trở về?

Một trong những điều mà tôi cảm thấy hối tiếc nhất là trong gần 20 năm làm công chức, tôi chưa bao được làm việc dưới một “minh chủ” thực sự.

Tôi luôn khát khao được làm việc dưới “trướng” một người vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tầm và có đạo đức. Nếu được như thế, tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận từ bỏ mức thu nhập “khủng” hiện nay để nhận mức lương “3 cọc, 3 đồng”.

Nghe như vậy, chắc sẽ có người bảo tôi hoặc là hâm hoặc là mưu cầu danh lợi gì. Hâm thì chắc chắn là không rồi, còn danh lợi ư, tôi không bao giờ có suy nghĩ kiếm chác bổng lộc!    

Tôi hi vọng 5-10 năm nữa, môi trường công chức sẽ được cải thiện căn bản; sự trọng dụng đối với Lưu Gù sẽ tăng lên và hiện tượng Hòa Thân sẽ chỉ còn là cá biệt.

Anh có e ngại điều gì nếu quay về?

Chỉ có một điều duy nhất: Đi lại con đường cũ, liệu có hay không có môi trường để phát huy năng lực và cống hiến cho công việc? Tôi sẽ chấp nhận chia tay với công việc hiện tại để “quay về” khi và chỉ khi được làm việc tại một cơ quan có môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng.

Bạn nghĩ gì về chia sẻ của cựu công chức trên? Hãy gửi ý kiến của bạn về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn


Hiền Anh