- “Tôi đề nghị toàn dân bầu Chủ tịch nước để thêm giá trị vị trí thượng tôn của lá phiếu nhân dân”, PGS Lê Mậu Hãn nói tại hội nghị của MTTQ, với sự có mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chiều 27/3, MTTQ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự.
Bản Hiến pháp toàn Đảng, toàn dân hài lòng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với đại biểu dự hội
nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý rất có ý nghĩa để phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ của toàn dân xây dựng được một bản Hiến pháp đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới.
Chủ tịch nước hoan nghênh Mặt trận đã gửi nhiều ý kiến độc lập, tâm huyết. Đến nay Ủy ban TƯ MTTQ VN đã tiếp thu được khoảng 8 triệu ý kiến. Điều cần làm là tổng hợp và chuyển tải đầy đủ đến cơ quan hữu quan.
Việc tập hợp ý kiến phải trên nguyên tắc xây dựng được một bản Hiến pháp phản ánh được ý nguyện của Đảng và của toàn dân.
“Mục đích của chúng ta là sẽ có một bản Hiến pháp mà toàn Đảng, toàn dân đều hài lòng”, Chủ tich nước lưu ý. Còn việc có thay đổi tên bản dự thảo thành Hiến pháp năm 2013 hay không sẽ được tính sau.
“Tôi sẽ còn quay lại nghe thêm các cụ, các vị đóng góp ý kiến. Có thể chúng tôi sẽ chủ động đặt hàng MTTQ các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Dân chủ trực tiếp
Các nhân sĩ, trí thức cũng tranh thủ góp nhiều ý kiến về các vấn đề như tăng quyền cho Chủ tịch nước, điều 4 Hiến pháp, kiểm soát quyền lực và quyền phúc quyết của người dân…
PGS Lê Mậu Hãn đề nghị
toàn dân bầu Chủ tịch nước
PGS lịch sử Lê Mậu Hãn gợi ý, nên suy nghĩ thêm về việc bầu Chủ tịch nước là do Quốc hội hay toàn dân.
“Tôi đề nghị toàn dân bầu Chủ tịch nước để thêm giá trị vị trí thượng tôn của lá phiếu nhân dân”, ông Hãn nói.
PGS Quách Sỹ Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) bổ sung thêm, Hiến pháp nên mở ra một mốc son, mở ra một thời đại dân chủ hơn, tiến bộ hơn, đó là quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.
“Nếu dân chỉ được bầu Quốc hội, HĐND thì hạn chế quá. Những vị trí như Chủ tịch nước, Chủ tịch chính quyền các cấp được nhân dân bầu thì không khí dân chủ sẽ rộng mở hơn. Dân bầu cử và dân có quyền giám sát”, ông Hùng nói.
Chia sẻ với quan điểm trên, ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, cần tăng quyền cho Chủ tịch nước. Cụ thể là tăng quyền quyết định, tài phán của Hội đồng Hiến pháp, do Chủ tịch nước đứng đầu.
“Để mở ra thời kỳ mới về dân chủ của đất nước, tôi cho rằng cần mở rộng quyền dân chủ trực tiếp. Nếu Chủ tịch nước, Chủ tịch các tỉnh thành được nhân dân bầu trực tiếp thì sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn trong thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”, ông Khoa nói.
Một số ý kiến cũng tán thành phương án nên để Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng Hiến pháp.
Nói như Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên đổi tên cơ quan này thành Ủy ban Hiến pháp, do Chủ tịch nước đứng đầu. Ủy ban phải được quyền quyết định độc lập như tòa án, ra phán quyết về những vấn đề đúng-sai trong việc thực hiện các văn bản pháp luật của đất nước. Cùng với đó, tăng thêm thực quyền của Chủ tịch nước đối với các vấn đề quốc gia.
Lắng nghe ý trái chiều
Liên quan đến điều 4 Hiến pháp, các thành viên Mặt trận tiếp tục kiến nghị phải xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cho rằng, hơn 80 năm qua dù có hiến định hay không thì sự lãnh đạo của Đảng đã là một tất yếu.
Trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, hiến định vai trò của Đảng là một tất yếu để xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, để Đảng cầm quyền một cách minh bạch hơn, để dân tin và dân theo.
Ông Hằng đề xuất bổ sung, Đảng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiến pháp và pháp luật.
PGS Quách Sỹ Hùng đề
cập quyền dân chủ trực tiếp của nhân
dân
Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ, “chúng ta không thể không khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng, đó là sự thật lịch sử. Nhưng từng đảng viên phải đổi mới, thực sự vì nhân dân phục vụ. Đảng chưa bao giờ tách rời nhân dân, đó là sự thật, nhưng một bộ phận đảng viên, cán bộ đã tách rời nhân dân, đó là vấn đề phải chấn chỉnh”.
PGS Lê Mậu Hãn phân tích, xung quanh điều 4 cần có nhận thức thống nhất để tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, ai nói sai thì cần đấu tranh.
“Thực tiễn đã chứng minh một đảng luôn gắn với dân, vì lợi ích của dân tộc thì toàn dân sẽ bảo vệ đảng. Điều 4 có thể sửa thành “Đảng là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam, Đảng gắn bó với dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”, ông Hãn góp ý.
Ông Đặng Văn Khoa chia sẻ, là một người ngoài Đảng song ông suy nghĩ rất nhiều về điều 4 Hiến pháp.
“Hiến pháp vẫn cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Nhưng nên chăng cần lắng nghe các ý kiến trái chiều, tránh quy kết”, ông Khoa tâm tư.
“Hy vọng lần sửa đổi Hiến pháp lần này, Đảng lắng nghe được ý kiến của nhân dân, tạo được sự đồng thuận lớn, để chúng ta có một bản Hiến pháp có thể vận dụng trực tiếp, tránh việc theo quy định của pháp luật”, ông Khoa kỳ vọng.
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng