- Thống kê cho thấy trong đợt cao điểm góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đã có tới 20 triệu lượt ý kiến. Hình hài của đạo luật gốc sẽ như thế nào?

>> Toàn cảnh góp ý sửa đổi Hiến pháp

Thời hạn lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi kéo dài cho đến tháng 9, nhưng đợt cao điểm lấy ý kiến đang trôi qua. Cơ quan chức năng sẽ bắt đầu tập hợp, phân loại các luồng ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

{keywords}
MTTQ đã tập hợp được hơn 8 triệu ý kiến. Ảnh: Minh Thăng

Đáng ghi nhận là trong suốt thời gian vừa qua, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo để gấp rút thu thập ý kiến. Ngoài chuyên trang chính thống của Văn phòng Quốc hội, hầu hết phương tiện truyền thông đều mở chuyên mục và "chạy" bài vở đều đặn mỗi ngày. Song song đó, các mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác cũng tập hợp ý kiến về sửa Hiến pháp theo nhiều cách thức khác nhau. Riêng theo "kênh" Mặt trận, đã có tới gần 8 triệu lượt ý kiến. Thậm chí, để "phổ cập" Hiến pháp tới toàn dân, các nhà làm luật cũng đã kịp soạn tài liệu có cái tên dễ hiểu "ABC về Hiến pháp".

Có thể coi đây cũng là thành công bước đầu của đợt sinh hoạt chính trị lần này.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại. Điều quan trọng là sắp tới đây cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và xử lý thế nào với hàng triệu ý kiến đó. Hình hài bản dự thảo Hiến pháp liệu có thay đổi?

Các thành viên ban biên tập luôn khẳng định sẽ lắng nghe và giải trình đầy đủ việc tiếp thu/không tiếp thu ý kiến. Nhưng để làm được việc này sao cho xứng với kỳ vọng của dân cũng không dễ, tất cả đòi hỏi tầm trí tuệ để nhận biết và bản lĩnh để "lọc" ra đâu là thông tin hữu ích, phù hợp với xu thế phát triển. Tiếp thu được đến đâu, có tiếp thu gì không hay sẽ giải trình thế nào? Dân không góp ý chính sách kiểu "nghe rồi để đấy", huống hồ đây là chuyện tham gia vào quốc gia đại sự, là quyền lập hiến.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo MTTQ cuối tuần qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng gọi những ý kiến đóng góp vừa qua là "tài sản quý". Thái độ và ứng xử thế nào với khối tài sản này là điều quan trọng. Người dân sẽ đợi để xem những người có trách nhiệm tiếp nhận và giải trình ra sao với các luồng ý kiến góp cho bản dự thảo Hiến pháp. Đặc biệt những ý kiến nghe ra có phần "nghịch nhĩ".

Thật ra, không đợi đến lúc toàn dân được phát động đóng góp ý kiến cho Hiến pháp mà câu chuyện này vốn đã được đặt ra từ lâu. Giới học giả đã xới xáo chuyện Hiến pháp từ mấy năm về trước.

Tuy nhiên, phải đến quãng thời gian vừa rồi, thì góp ý Hiến pháp mới trở thành một đợt sinh hoạt chính trị công khai, rộng rãi, nơi người dân có cơ hội bày tỏ chính kiến tnhững vấn đlớn lao của đất nước cho đến quyền lợi thiết thực nhất của chính mình. 

Mọi vấn đề chưa được mổ xẻ cho đến tận cùng. Nhưng đây chính là thời cơ để các luồng ý kiến được cọ xát, được va chạm và nhờ đó mà vỡ vạc ra được nhiều vấn đề. Chưa bao giờ người dân có thể bày tỏ công khai trên các diễn đàn ngôn luận về nguyện vọng muốn được bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia, về việc kiểm soát hệ thống quyền lực, về cơ chế bảo hiến, về tăng (bớt) quyền cho những người đứng đầu các cơ quan hành pháp, lập pháp... 

Có được không khí thảo luận cởi mở như vậy một phần cũng bởi việc sửa đổi Hiến pháp lần này diễn ra trong một bối cảnh thuận hơn trước, đó là trình độ dân trí chung của xã hội đã cao hơn. Sự bùng nổ của truyền thông và mạng xã hội góp phần chuyển đi rất nhiều thông điệp và quan điểm. Với những nền tảng đó, nhận thức của người dân về quyền lập hiến cũng được nâng cao. Tất cả gây nên một phong trào tranh luận thực sự trong dân chúng về những vấn đề chính trị quan trọng và từ đây đặt vấn đề về bản chất của chế độ và nhu cầu dân chủ hóa chế độ.

Nói như TS Nguyễn Sĩ Dũng, đây cũng cơ là hội rất quan trọng để thực hành dân chủ. "Chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Việc thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp hình thành hàng loạt chính kiến của chúng ta về những vấn đề hệ trọng nhất của luật hiến pháp, đồng thời cũng giúp hoạt động lập hiến phản ánh được ý nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân", TS Nguyễn Sĩ Dũng bình luận.

  • Lê Nhung