- Theo đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James A. Lyons, một sự cảnh báo mạnh mẽ của Mỹ có thể khiến Trung Quốc “chậm lại”.

Ông James A. Lyons từng là tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và đại diện cao cấp của quân đội Mỹ tại LHQ. Sau đây là bài viết của ông:

Vào ngày 14/3, Trung Quốc đã hoàn thành quá trình chuyển giao lãnh đạo cấp cao nhất. Ông Tập Cận Bình chính thức trở thành chủ tịch mới của nước này, kiêm luôn cả vị trí chủ tịch quân uỷ. Trong khi cố gắng tạo dựng hình ảnh là “người của dân”, thì những phát biểu khác nhau của ông đều nhấn mạnh cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc”.

Cụm từ ấy mang âm hưởng rõ ràng về quân sự, cho dù ông Tập luôn khẳng định tiếp tục theo đuổi các chính sách phát triển hoà bình từ người tiền nhiệm. Ông đã phát động một chiến dịch tăng cường các khả năng của quân đội (PLA) để “chiến đấu và chiến thắng”. Những tuyên bố ấy khiến người ta hồ nghi về việc Trung Quốc mở rộng quân sự chỉ là để phục vụ mục tiêu phòng thủ.

{keywords}
Ảnh: Aol
Đích của Trung Quốc

Trung Quốc không ngừng mọi bước tiến để đạt tới cái đích trở thành cường quốc quân sự chiếm lĩnh ưu thế tại tây Thái Bình Dương với ngân sách quốc phòng tiếp tục gia tăng ở mức hai con số năm 2013 (10,7%). Mức tăng ấy trùng khớp với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố xoay trục hướng về châu Á và Lầu Năm Góc chịu sức ép cắt giảm mạnh chi tiêu.

Giữa những bất ổn Trung Đông, và nhiều nơi khác, câu hỏi đặt ra là liệu “chiến lược xoay trục” về hướng Thái Bình Dương có được thực thi một cách đầy đủ. Một trong những điểm yếu của chiến lược ấy là nó không đề cập tới sự phát triển lực lượng quân sự với tham vọng hiện diện toàn cầu của Trung Quốc, tình hình phát triển của những nước hạt nhân như Triều Tiên và Iran… Như Richard Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm đánh giá chiến lược và quốc tế, chỉ ra rằng, một sự mất cân bằng như vậy có thể giúp Trung Quốc tạo ra một số “trục xoay Trung Quốc” để nhanh chóng hạn chế hay ngăn chặn chiến lược Mỹ.

Một yếu tố khác không thể không tính đến là khả năng đột phá hạt nhân của Trung Quốc. Nước này có hơn 4.000km đường hầm được gia cố vững chắc để bố trí hay di chuyển các vũ khí chiến lược. Trong một bài viết ngày 11/2 trên Nhật báo phố Wall của tác giả Bret Stephens, tướng Victor Esin - nguyên phụ trách lực lượng tên lửa chiến lược Nga - nhấn mạnh về sự trỗi dậy “âm thầm” của Trung Quốc để đạt đến một vị trí cân bằng hạt nhân với Mỹ và Nga.

Theo ông, Trung Quốc có thể có 850 đầu đạn sẵn sàng khai hoả. Lượng vũ khí hạt nhân trong kho của Trung Quốc vào khoảng 1.600 - 1.800 đầu đạn. Ước tính gần đây của Mỹ về số đầu đạn Trung Quốc có là từ 200-400. Trong khi đó, có nhiều thông tin cho rằng, Washington muốn giảm số lượng đầu đạn của Mỹ xuống còn 1.000 hay thậm chí ít hơn.

Chọn lựa của Mỹ

Tướng Esin tuyên bố có bằng chứng xác thực về việc Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử nhiều đầu đạn vào tháng 7/2012, và một tháng sau đó đã phóng tên lửa tầm xa mới, có khả năng mang nhiều đầu đạn từ tàu ngầm. Bất kỳ cuộc thương thảo START (hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược) Mỹ - Nga đều cần phải công nhận số lượng vũ khí hạt nhân trong kho của Trung Quốc. Rõ ràng, một lời cảnh báo lập tức của Mỹ với Trung Quốc có thể có tác dụng.

Đưa tên lửa đạn đạo chống hạm lên các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay Mỹ là hành động thể hiện sự cảnh báo ấy, để cho hải quân Trung Quốc thấy rằng, họ sẽ không có lợi lộc gì nếu dùng hạm đội của mình chống lại Mỹ và các đồng minh. Một khả năng như vậy có thể phù hợp trong tương lai gần khi là chọn lựa không quá đắt đỏ, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng tốc sức mạnh cho lực lượng hải quân.

Sự ảnh hưởng của việc đưa tên lửa đạn đạo chống hạm vào lực lượng không quân và hải quân của Mỹ sẽ có tác dụng đáng kể nếu như Mỹ chia sẻ khả năng này với các đồng minh, cung cấp một thoả thuận có thể đạt được với Nga để đình chỉ Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Điều này là có thể khả thi, vì theo tướng Nga Esin, nếu Trung Quốc không ngừng mở rộng kho dự trữ hạt nhân, thì Nga sẽ xem xét rút khỏi hiệp ước INF.

Một hành động khác mà Mỹ có thể làm là tạo ra mạng lưới cảm biến tầm xa ở châu Á nhằm giúp các đồng minh nhận được cảnh báo sớm nhất về các hoạt động quân sự Trung Quốc. Để mạng lưới như vậy thành hiện thực, Mỹ cần tập trung vào quyết định gần đây trong việc lắp đặt hệ thống rađa hiện đại thứ hai ở phía nam Nhật Bản cũng như Philippines. Gần đây, Mỹ có hệ thống rađa ở Shariki, Nhật với phạm vi hoạt động 960-1.900km. Lắp đặt một hệ thống rađa được nâng cấp với phạm vi hoạt động lên tới gần 6.000km ở Philippines sẽ cho phép các tên lửa và máy bay kiểm soát được khu vực gồm toàn bộ các quốc gia ở duyên hải tây Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc.

Sau tất cả, để mọi chọn lựa có thể khả thi, chính quyền của Tổng thống Obama cần nhận ra những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc cũng như mối đe dọa mà họ đặt ra với các lợi ích quốc gia Mỹ và đồng minh.

Thái An (theo washingtontimes)