- 13 năm trước, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương là một trong 189 nhà lãnh đạo thế giới họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để ký Tuyên bố Thiên niên kỷ - khởi đầu thiết lập 8 mục tiêu thiên niên kỷ đầy tham vọng.

Kể từ hôm nay (5/4), còn đúng 1.000 ngày nữa là đến thời hạn cuối cùng để các nước hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Theo LHQ tại Việt Nam, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các MDGs này, vì vậy cần việc tiếp tục tăng tốc để cán đích giữ vững "vòng nguyệt quế".

Nhân dịp này, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam gửi tới VietNamNet bài viết, chia sẻ sứ mệnh và những thách thức trong giai đoạn nước rút thực hiện các MDGs của Việt Nam:

Maratông xóa đói giảm nghèo

Chắc bạn có thể hình dung được sự đau khổ tột độ của một vận động viên dẫn đầu khi vào vòng đua cuối của cuộc chạy đua, nhưng đến khi vạch cán đích trong tầm nhìn lại giãn tốc độ, rồi nhìn thấy một vận động viên khác chạy vượt qua mình.

{keywords}
Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon vừa nhắc chúng ta rằng cho đến hôm nay, ngày 5/4/2013, còn đúng 1.000 ngày nữa là đến thời hạn cuối cùng để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

13 năm trước, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đức Lương là một trong 189 nhà lãnh đạo thế giới họp tại trụ sở LHQ ở New York để ký Tuyên bố Thiên niên kỷ, đây chính là sự khởi đầu của việc thiết lập tám mục tiêu Thiên niên kỷ đầy tham vọng nhưng cũng rất cụ thể. Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau cam kết cắt giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo toàn cầu, chống lại biến đổi khí hậu và bệnh tật, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch và vệ sinh, mở rộng giáo dục và tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ em gái và phụ nữ.

Việt Nam là một trong những nước mà việc thực hiện các Mục tiêu có tác động lớn nhất. Chính phủ Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo trong 9 năm kể từ năm 1993, mà họ một lần nữa đã cắt giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo trong 6 năm, từ 2002-2008. Người dân hẳn đã rất tự hào khi Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu vào năm 2010 trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, tính theo các các chỉ tiêu tuyệt đối lẫn tương đối.

Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, giáo dục và sức khỏe trẻ em. Những thành tựu ấn tượng này đã có tác động thực sự và lâu dài đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào chặng đua cuối cùng của cuộc đua maratông xóa đói giảm nghèo, với thời gian còn lại 1.000 ngày, Việt Nam không thể cho phép mình nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế. Đây không phải là thời khắc đếm ngược - Chính phủ Việt Nam phải nắm lấy cơ hội này để tăng cường nỗ lực, tiếp tục hướng tới cán đích.

Không bỏ lại ai phía sau

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ở cấp quốc gia, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Chúng ta thấy có sự chênh lệch và sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư, và các vùng miền. Tôi xin nêu một vài ví dụ.

Về vấn đề nghèo đói, mặc dù tỉ lệ nghèo đói giảm mạnh trên tổng thể, vẫn còn tồn tại vấn đề suy dinh dưỡng. 1/3 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể còi cọc, 1/3 phụ nữ và trẻ em bị thiếu máu, hầu hết đều sống ở nông thôn.

{keywords}
Ảnh: UNDP Việt Nam

Về việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, kết quả rất tốt nhưng không đồng đều giữa các vùng miền. Ví dụ, nguy cơ tử vong trước 5 tuổi của một em bé dân tộc thiểu số lớn gấp 3 lần so với một em bé người Kinh. Một số tỉnh có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn gấp 5-6 lần so với các khu vực phát triển hơn.

Về vấn đề sức khỏe bà mẹ, số liệu cho thấy khả năng tử vong khi sinh con của một bà mẹ ở 62 huyện nghèo nhất nước lớn gấp 5 lần so với tỷ lệ tử vong khi sinh trung bình của cả nước, ngoài ra còn có những ví dụ khác về bất bình đẳng. Trong một chuyến công tác gần đây đến tỉnh Yên Bái ở miền núi phía Bắc, chúng tôi đã gặp Mỷ.

Em kể với chúng tôi rằng em có thai năm 15 tuổi và sinh con tại nhà chỉ với sự giúp đỡ của chồng. Giống nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khác, em không biết đọc, biết viết vì chưa bao giờ đi học. Em phải quay lại làm nương chưa đầy một tháng sau khi sinh con. Hằng ngày em địu đứa con gái 18 tháng tuổi trên lưng đi làm nương từ sáng đến tối mịt. Câu chuyện của Mỷ đã nhắc nhở chúng ta về chương trình nghị sự còn dang dở.

Để đảm bảo đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở tất cả các thôn xóm và tỉnh thành ở Việt Nam, chúng ta vẫn cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện và công bằng, một sự tăng trưởng sao cho ngay cả những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có thể chủ động tham gia và được hưởng lợi từ kết quả của tăng trưởng.

Vì vậy, hãy xem cột mốc 1.000 ngày như một lời kêu gọi hành động để tăng tốc, dựa trên những thành công đã đạt được. Kinh nghiệm ở Việt Nam chứng tỏ mục tiêu phát triển toàn cầu có trọng tâm có thể tạo nên sự khác biệt sâu sắc. Các mục tiêu giúp huy động, hợp nhất nguồn lực và thôi thúc chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa.

Mặc dù đây không phải là một cuộc đua mang tính cạnh tranh, chúng ta cần phát huy tối đa sức mạnh tiềm năng để có thể hoàn thành chương trình nghị sự còn dang dở.

Sự thành công trong 1.000 ngày tới sẽ không chỉ mang lại cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người Việt Nam, mà nó còn tiếp thêm sinh lực cho tất cả chúng ta khi chúng ta hoạch định cho sau năm 2015, giúp chúng ta đối mặt với những thách thức lớn của phát triển và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần đảm bảo để trong chặng đua nước rút quan trọng của cuộc đua này, không ai bị bỏ lại phía sau.

Pratibha Mehta (điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam)