Chính quyền Obama do đã phát hiện ra điều mà họ coi là sự thay đổi sau nhiều thập kỷ của Trung Quốc trong hành xử với Triều Tiên, đang gia tăng áp lực để Bắc Kinh hoặc phải khiến Bình Nhưỡng giảm nhiệt, hoặc phải đối mặt với sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ trong khu vực.
Tên lửa Patriot của Mỹ được đặt ở một căn cứ không quân phía nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Trong hàng loạt cuộc trao đổi, kể cả cuộc điện đàm gần đây giữa ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan chức Mỹ cho hay, họ đã thông báo vắn tắt cho phía Trung Quốc chi tiết về kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và các biện pháp khác để ngăn chặn sự đe dọa ngày một lớn mà nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra.
Trung Quốc từ lâu vốn nghi ngờ mong muốn của Mỹ nhằm tái khẳng định vị thế ở châu Á, đã không phản ứng công khai hay riêng tư khi Mỹ triển khai tàu chiến, máy bay đến bán đảo Triều Tiên. Động thái ấy, theo quan chức Mỹ, vừa minh chứng cho sự thất vọng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, vừa là sự thừa nhận rằng, sự ủng hộ của họ với Triều Tiên có thể làm căng mối quan hệ vốn dĩ đã nhiều bất hòa giữa Bắc Kinh và Washington.
“Thời điểm này rất quan trọng”, Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama nói. “Nó là bài tập quan trọng đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama”. Trong khi một số quan chức Mỹ thận trọng bởi ông Tập mới chỉ ở nhiệm sở ít tuần và Trung Quốc có cả một lịch sử gây thất vọng cho Mỹ trong hành xử với Triều Tiên, thì Donilon cho biết, ông tin là lập trường của Trung Quốc “đang tiến triển”.
Tính toán của Trung Quốc
Đánh giá về sự thay đổi của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng không mấy dễ dàng: lúc đầu Bắc Kinh dường như phản ứng với áp lực của Mỹ nhưng sau lại rút lui. Trung Quốc - đồng minh lớn của Triều Tiên từ lâu lo ngại Mỹ sẽ lợi dụng sự sụp đổ của lãnh đạo Triều Tiên bằng cách mở rộng ảnh hưởng quân sự trên bán đảo.
Dĩ nhiên, Bắc Kinh không đưa ra nhiều manh mối về ý định của họ trong các tuyên bố công khai.
Một số nhà phân tích Trung Quốc
tiết lộ, đã có nhiều cuộc tranh luận trong nội bộ đội ngũ lãnh đạo nhà nước và
quân sự về việc hành xử thế nào với Kim Jong-un, và làm thế nào để thực thi lệnh
cấm vận kinh tế của LHQ mà Trung Quốc đồng thuận hồi tháng trước.
Nhà Trắng hài lòng với sự thay đổi khi Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm vận diễn ra
sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và phóng tên lửa. Nhưng một số nhà ngoại giao và
phân tích nói, Bắc Kinh đang cố kéo dài việc thực thi các lệnh ấy.
Trong cuộc gặp với hai quan chức cấp cao Mỹ tới Bắc Kinh để thuyết phục Trung
Quốc thực thi biện pháp hạn chế giao dịch ngân hàng với Triều Tiên, những người
phụ trách ngân hàng Trung Quốc bày tỏ rất ít dấu hiệu ưng thuận, Marcus Noland -
một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington nói.
Mong muốn của Mỹ
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các biện pháp cấm vận sẽ không thể thành công nếu
không có sự hợp tác của Trung Quốc do quan hệ thương mại và viện trợ gần gũi của
họ với Triều Tiên. Một nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây bày tỏ, ông nghĩ nước
ông sẽ thực thi lệnh trừng phạt mới của LHQ với Triều Tiên tới một điểm nào đó,
nhưng không đi xa như chính quyền Obama mong muốn.
Và ngay cả khi Trung Quốc hợp tác, cũng chưa rõ Triều Tiên khuất phục thế nào.
Bình Nhưỡng đã phớt lờ lời thúc giục của Bắc Kinh để vẫn tiến hành thử hạt nhân
hồi tháng 2.
Trong vài tuần tới, Nhà Trắng sẽ
cử một đội ngũ quan chức cấp cao tới Trung Quốc, bắt đầu là Ngoại trưởng John
Kerry. Về mặt ngắn hạn, Washington mong muốn Trung Quốc kiểm soát hải quan
nghiêm ngặt để cản trở dòng chảy hàng hoá cấm vào Triều Tiên. Rộng hơn nữa, họ
muốn Trung Quốc thuyết phục lãnh đạo Kim ngừng các hành động gây hấn và chấp
thuận thương thảo từ bỏ chương trình hạt nhân.
Một tuần sau chuyến thăm của ông Kerry, tướng Martin E. Dempsey, chủ tịch Hội
đồng Tham mưu trưởng Liên quân sẽ có 4 ngày ở Trung Quốc. Ông Donilon cũng dự
kiến thăm Bắc Kinh vào tháng 5.
Tháng trước, ông Tập đã có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Park
Geun-hye. Ông nói với bà Park rằng, Trung Quốc đánh giá cao quan hệ với Hàn Quốc
và sẵn sàng hỗ trợ tiến trình “hoà giải và hợp tác” giữa hai miền Triều Tiên.
Ngược lại, có rất ít tiếp xúc cấp cao giữa ông Kim và các quan chức Trung Quốc.
“Những gì chúng ta nhìn thấy là sự thay đổi trong tư duy của người Trung Quốc”,
ông Kurt M. Campbell, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á nói
trong phát biểu mới đây. Theo ông, người Trung Quốc giờ đây tin rằng, các hành
động của Triều Tiên “đối chọi” với các lợi ích an ninh quốc gia của họ.
Thái An (theo New York Times)