Trong điều kiện Quốc hội hoạt động chưa thường xuyên, vai trò chủ động của Chính phủ hành pháp càng cần được coi trọng.

Trên cơ sở tổng hợp góp ý Hiến pháp (HP) từ các bộ ngành, tỉnh thành trên cả nước, Chính phủ (CP) đã có phiên họp chuyên đề về HP, tập trung vào một số nội dung liên quan đến CP, chính quyền địa phương, QH, Chủ tịch nước, TANDTC, Hội đồng HP. Một số vấn đề quan trọng đã được các thành viên CP biểu quyết bằng bỏ phiếu. Báo cáo chính thức của CP, với nhiều đề xuất, kiến nghị HP đã được chuyển tới Ủy ban dự thảo HP sửa đổi vào cuối tuần trước.

Chính phủ “chấp hành” Quốc hội: Quy định thừa

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp góp ý dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, về quan hệ giữa CP và QH, rất nhiều ý kiến từ các bộ ngành, địa phương cho rằng không nên quy định “CP là cơ quan chấp hành của QH” như trong dự thảo HP sửa đổi. CP thảo luận, bỏ phiếu và có tới 24/25 thành viên CP tham dự phiên họp đề nghị bỏ quy định này.

Cơ sở lập luận này là thứ nhất, bản thân chức năng “hành pháp” và “hành chính” đã thể hiện trách nhiệm CP chấp hành HP, luật do QH thông qua. CP tổ chức thực thi pháp luật chính là chấp hành ý chí của nhân dân được thể hiện trong các đạo luật, phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất và thuộc về nhân dân.

Thứ hai, quy định như dự thảo thực ra là lặp lại nội dung cũ của HP 1992, đặt CP vào vị trí thụ động, không phù hợp với vị trí độc lập tương đối của nhánh hành pháp theo nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mà chính dự thảo HP quy định tại điều 2. Ở bất cứ quốc gia nào, CP luôn giữ vai trò quan trọng, là trung tâm trong việc khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia. Chỉ có hợp tác trên cơ sở phân công rành mạch và kiểm soát chặt chẽ giữa các nhánh quyền lực mới tạo động lực cho việc vận hành tốt nền quản trị quốc gia.

Thứ ba, trong điều kiện QH hoạt động chưa thường xuyên, vai trò chủ động của CP hành pháp càng cần được coi trọng.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng

Về chế độ làm việc của CP, bản báo cáo cho rằng dự thảo HP sửa đổi khái quát hóa “CP làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số” (điều 100) là chưa chính xác, bởi đây chỉ là một phương thức quan trọng nhưng không phải là duy nhất trong công việc hằng ngày của CP. Vì vậy cần sửa thành “những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của CP phải được quyết định theo đa số”.

Cũng về điều 100, CP đề nghị bổ sung quy định các phó thủ tướng và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng. Và để đồng bộ, phần nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng phải được điều chỉnh, bổ sung thêm nghĩa vụ báo cáo công tác trước Thủ tướng (dự thảo, tại điều 104 chỉ quy định trách nhiệm báo cáo công tác trước CP). Đây là điểm khác biệt quan trọng, bởi dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của các chủ thể này trước tập thể CP, QH.

Bản báo cáo cho rằng dự thảo (điều 101) xác định chưa rõ, đủ phạm vi, nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của CP với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Vì vậy đề xuất viết, diễn đạt lại, trong đó bổ sung cho CP quyền đề xuất QH chưa thông qua dự luật và quyền kiến nghị Chủ tịch nước, trước khi công bố đạo luật, đề nghị QH xem xét lại đạo luật - vì lý do chưa đảm bảo tính khả thi. Quy định này sẽ cụ thể hóa hơn cơ chế kiểm soát quyền lực giữa nhánh lập pháp, hành pháp, làm rõ hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt của chế định Chủ tịch nước.

Thẩm quyền nhân sự lúc QH không họp

Về vị trí, chức năng của Thủ tướng (điều 103), báo cáo của CP đề nghị diễn đạt, sắp xếp lại, làm rõ Thủ tướng không chỉ đứng đầu CP mà còn đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước. Đáng chú ý, để giải quyết công tác nhân sự trong thời gian QH không họp, kiến nghị bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và phê chuẩn, quyết định người giữ quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho đến khi QH họp.

Quy định như vậy có thể sẽ giúp không lặp lại vướng mắc, lúng túng vừa qua khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải phân công tạm Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách Bộ Tài chính, để Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tập trung thời gian làm nhiệm vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Nghĩa Nhân - Pháp luật TP.HCM

Các tin liên quan
Chính phủ hành pháp mới là chính phủ mạnh

Chính phủ hành pháp mới là chính phủ mạnh

Một Chính phủ mạnh phải là Chính phủ hành pháp, được đảm bảo tính độc lập, phát huy chủ động, sáng tạo trong thực thi quyền hành pháp.

Bộ trưởng không thể là 'góc khuất'

Bộ trưởng không thể là 'góc khuất'

Việc quá đề cao vị trí của bộ khiến địa vị pháp lý của bộ trưởng trở thành "góc khuất", thậm chí "tập thể lãnh đạo bộ" có xu hướng lấn át bộ trưởng.

3 câu hỏi về kiểm soát quyền lực

3 câu hỏi về kiểm soát quyền lực

Cơ chế nào để Đảng “chịu trách nhiệm”, ai giám sát Quốc hội, Chính phủ: hành chính hay hành pháp? Đây là những câu hỏi đặt ra khi đọc bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi

Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi

Thủ tướng nào cũng muốn có một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực, trình độ để tham mưu cho mình và để có một chính phủ mạnh...