Giữ chức thủ tướng từ năm 1979-1990, Margaret Thatcher đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nước Anh.
{keywords}
Nữ thủ tướng duy nhất của nước Anh Margaret Thatcher. Ảnh: usatoday

Thatcher tin rằng, các xã hội cần phải khuyến khích và đền đáp xứng đáng những người dám mạo hiểm, những doanh nhân tạo ra sự giàu có, và giúp đỡ kẻ yếm thế. Một đất nước có thể phồn vinh chỉ bằng cách khuyến khích người dân tiết kiệm và chi tiêu không quá số tiền họ kiếm được; sự hoang phí (thậm chí tồi tệ hơn là vay mượn) chỉ là con đường diệt vong. Bản chất của "chủ nghĩa Thatcher" chính là một đất nước hùng cường cùng nền kinh tế tự do.


Dấu ấn kinh tế


Không một thủ tướng Anh nào thời hiện đại là người điều khiển và tạo lập ra sự thay đổi kinh tế quốc gia lớn hơn Margaret Thatcher. Khi bà rời nhiệm sở, gần như mọi phương diện của đời sống kinh tế nước Anh đã thay đổi hoàn toàn.

Khi Thatcher lên nắm quyền, nước Anh phải vật lộn trong một thị trường suy thoái với lạm phát, thâm hụt ngân sách, ngành công nghiệp xung đột với nghiệp đoàn. Và giải pháp của bà là một chính sách kinh tế được biết đến với tên gọi Chủ nghĩa Thatcher: niềm tin vào tầm quan trọng của thị trường tự do, ưu tiên trách nhiệm cá nhân và tự chủ trong an sinh xã hội; đề cao hiệu quả của việc tư nhân hoá các dịch vụ.

Nữ thủ tướng Anh khi tranh cử đã cam kết chấm dứt điều bà cho là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào nền kinh tế, và sẽ tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh, bán nhà công cho người thuê mướn.

Bà mở đầu chính sách kinh tế bằng cách nâng lãi suất nhằm kìm hãm mức gia tăng nguồn cung ứng tiền tệ, nhờ đó giảm lạm phát. Trong nhiệm kỳ của bà, hàng ngàn người dân bình thường dần có vị trí trong xã hội, được mua nhà của hội đồng thành phố và háo hức tìm tham gia mua cổ phần trong các ngành mới được tư nhân hóa như khí đốt, viễn thông.

Chính sách tài chính của bà sau đó đã khiến nước Anh từ chỗ mất địa vị ở châu Âu trở thành một trong những trung tâm tài chính sôi động và thành công nhất trên thế giới. Thủ tướng đương nhiệm David Cameron đã gọi bà là "một phụ nữ vĩ đại không chỉ dẫn dắt mà còn cứu đất nước".

Nhãn quan chính trị

Người ta đã chỉ ra năm con đường mà bà Thatcher làm thay đổi lịch sử, trong đó có việc chấm dứt chiến tranh Lạnh.

Phối hợp chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, bà Thatcher là một nhân vật chủ chốt góp phần chấm dứt chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Bà cũng là người phương Tây đầu tiên bắt tay với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Năm 1984, khoảng 3 tháng trước khi ông Gorbachev nắm quyền, bà đã gặp ông này và tuyên bố: "Tôi thích Gorbachev. Chúng tôi có thể bàn chuyện làm ăn với nhau". Tuy nhiên, bà cũng từng bị chỉ trích khi phản đối sự thống nhất nước Đức. Bà nói với Gorbachev rằng: "Chúng tôi không muốn có một nước Đức thống nhất", chỉ 2 tháng trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11/1989.

Bà đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc, đặc biệt trong việc trao trả Hồng Kông một cách hòa bình năm 1997. Giới chuyên gia nhận định rằng chủ đề Hồng Kông là kinh nghiệm lớn đầu tiên của bà Thatcher với Trung Quốc. Bà đã đi vào lịch sử như người đặt bút ký Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984 mở đường trao trả Hồng Kông về đại lục.

Mặc dù sự nghiệp và thành tựu của Bà đầm thép tới thời điểm này vẫn gây nhiều tranh cãi trái chiều, nhưng sự quyết đoán và táo bạo của bà đã đem lại cho bà sự tôn trọng kể cả từ phía đối thủ. “Tôi không phải là một chính trị gia đồng thuận”, bà khẳng định, “bạn không nên chạy theo đám đông”. Trên hết, bà là chính trị gia có niềm tin sắt đá và bảo vệ những niềm tin đó tới cùng.

Thái An