Lần đầu tiên, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tới thăm một căn cứ quân sự ở Tam Á thuộc đảo Hải Nam.

Thăm một căn cứ hải quân trọng yếu phía nam đảo Hải Nam, ông Tập đã thể hiện rõ ràng mối quan hệ gần gũi của ông với giới quân sự. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quả quyết, thậm chí gây hấn, trong việc khẳng định chủ quyền hàng hải ở khu vực.

Ông trò chuyện với binh lính trước khi bước lên một chiếc tàu đổ bộ hiện đại và cả tàu ngầm. Chuyến thăm được chú trọng nhấn mạnh trong chương trình tin tức tối của đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình thăm căn cứ quân sự tại đảo Hải Nam. Ảnh: THX

Ông Tập đã thúc giục các binh lính chuẩn bị tốt hơn cho chiến tranh quân sự. Ông nói các binh lính “cần tích hợp các mục tiêu cá nhân với mục tiêu xây dựng quân đội mạnh” và hải quân cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc “nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu”.

Tân chủ tịch Trung Quốc được xem là có mối quan hệ với giới quân sự mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Kể từ khi ông Tập Cận Bình đảm nhận chức Tổng bí thư Trung Quốc, ông đã có những chuyến viếng thăm tới các căn cứ hải quân, không quân và bộ binh. 

Đe láng giềng


Trung Quốc đang không ngừng củng cố các khả năng hải quân ở Biển Đông với việc mở rộng nhiều căn cứ và thực hiện các sứ mệnh tuần tra, có khi còn gây rối với tàu của các nước cạnh tranh tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Tam Á là chìa khoá để khẳng định những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, là nơi trú ngụ của nhiều tàu hải quân hiện đại nhất và cũng là nơi có một căn cứ tàu ngầm lớn.

Trong số các tàu mà ông Tập thị sát tại Tam Á có tàu Tỉnh Cương Sơn. Con tàu này đã gây sự bất ngờ khi tháng trước “kéo quân” tới khu vực mà Trung Quốc gọi là cực nam chủ quyền. Một đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James - cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông. Động thái này đã thu hút sự chú ý của các quan chức quân sự và khiến khu vực lo ngại.

Cuộc “đổ bộ” của tàu Trung Quốc tới bãi đá James diễn ra sau vài ngày khi quân đội nước này tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền bất chấp sự chồng lấn với nhiều nước khác.

Dưới thời của ông Tập, các tàu Trung Quốc còn thường xuyên duy trì sự hiện diện ở một quần đảo tranh chấp với Nhật tại biển Hoa Đông.

Trước đó, ngày 10/4, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng xuất bản tại Hong Kong đã đưa tin về việc ông Tập có chuyến thăm bất ngờ làng chài Đàm Môn. Tờ báo này dẫn lời giới phân tích nói rằng, đây là một động thái gửi đi bức thông điệp mạnh mẽ tới các láng giềng của Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hạm đội Nam Hải Trung Quốc kết thúc sứ mệnh tuần tra và tập trận 16 ngày ở Biển Đông. Hàng loạt phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về việc này.

Vương Hàn Lĩnh, một chuyên gia hàng hải tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm của ông Tập cùng các lời bình luận đưa ra đã gửi bức thông điệp tới nhiều nước láng giềng rằng: "Các lợi ích hàng hải Trung Quốc chắc chắn bao gồm quyền đánh cá của ngư dân và sự an toàn của họ ở Biển Đông”, Vương nói. Theo vị này, chuyến thăm của ông Tập cũng như hoạt động tập trận hạm đội Nam Hải đang khuyến khích ngư dân Trung Quốc kéo ra đánh bắt ở Biển Đông.

Thái An