- Đứng trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí hướng tới mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo.

Giới phân tích cho rằng đây là phép thử về việc liệu các cường quốc thế giới có thể gác lại đối đầu và bất hòa, tăng cường đoàn kết để thúc đẩy ổn định toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên khiến cả Mỹ và Trung Quốc tạo lập sự ràng buộc mới trong lĩnh vực họ từng có tranh cãi nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, họ sẽ phải vượt qua mối quan hệ vốn dĩ không bằng phẳng bấy lâu. Mỹ và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh kinh tế, Trung Quốc thường không sẵn sàng như Mỹ trong việc can thiệp vào các cuộc xung đột quân sự quốc tế.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường. Ảnh: Telegraph
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Trung Quốc từ hôm thứ 7 đã mô tả về một “sức mạnh tổng hợp” giữa hai nước để đạt được an ninh và ổn định kinh tế thế giới. "Chúng ta có phần trong sự thành công của Trung Quốc. Và ngược lại, Trung Quốc cũng có phần trong sự thành công của Mỹ”, ông Kerry nói với báo chí ở Bắc Kinh. "Đó là điều rõ ràng trong mọi cuộc trao đổi của chúng tôi hôm nay. Đó là quan hệ đối tác xây dựng dựa trên những lợi ích chung của mọi người trên thế giới”.

Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc và thảo luận về nhiều vấn đề, nổi bật nhất là mối đe dọa từ Triều Tiên.

Bình Nhưỡng dường như đang sẵn sàng thử nghiệm tên lửa. Có nhiều quan điểm trái ngược nhau tại Washington về việc liệu Triều Tiên có hay không khả năng phát triển và phóng tên lửa hạt nhân. Một đánh giá tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên có khả năng đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa, tuy nhiên, vũ khí kiểu này không có độ tin cậy cao.

Ông Kerry và ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, hai nước cần làm việc với nhau vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, có những biện pháp hiệu quả buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.

Theo giới phân tích, chính phủ Triều Tiên và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, sẽ “nghe” Trung Quốc hơn bất kỳ ai khác. Ông Dương nhấn mạnh, quan điểm của Bắc Kinh về Bình Nhưỡng là rõ ràng. Ông kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên - vốn đã ngừng trệ 4 năm trước - và hành động nhằm chấm dứt mối đe doạ hạt nhân.

TQ hoài nghi, Mỹ thận trọng

Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry khẳng định, Mỹ sẽ dõi theo sát sao về việc Trung Quốc tiếp tục hành xử thế nào với Triều Tiên “để đảm bảo rằng đó không phải là lời nói, mà là chính sách thực tế đang được thực thi”.

Ông Kerry còn đề cập khả năng hiện diện trở lại của quân sự Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên qua đi. Bắc Kinh từ lâu luôn bất an trước hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai ở vùng sân sau Trung Quốc.

Theo các chuyên gia phương Tây, Trung Quốc sẽ hành động từ từ và thận trọng để hướng tới mục tiêu trở thành một đồng minh đáng tin cậy hơn của Mỹ. Bắc Kinh vẫn hoài nghi sâu sắc về chính sách trục xoay châu Á của Tổng thống Barack Obama - chính sách mà họ coi là nỗ lực của Mỹ đề kiềm chế sức mạnh Trung Quốc.

Cũng không chắc là Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ lâu dài với Triều Tiên. Bắc Kinh đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mai với láng giềng và duy trì quan hệ quân sự gần gũi 6 thập niên qua với Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng là quốc gia viện trợ chính dầu và lương thực cho Triều Tiên.

Hơn thế nữa, Trung Quốc có lịch sử “đảo chiều nhanh chóng” sau những tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên. Cuối năm 2010, khi các quan chức Mỹ hoan nghênh Bắc Kinh về những nỗ lực mang tính xây dựng sau vụ việc Bình Nhưỡng nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, thì ngay sau đó, một công ty Trung Quốc đã nhất trí đầu tư 2 tỉ USD vào một khu công nghiệp Triều Tiên.

"Mỹ phải thận trọng trong hy vọng có được bước đột phá lớn về vấn đề Triều Tiên từ các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc”, Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích CIA, hiện là chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington nói. "Có rủi ro cao ở những trông đợi quá nhiều từ phía Mỹ… Người Trung Quốc không thể quay mũi tàu nhanh như chúng ta tưởng”.

Thái An (theo abcnews)