- Dự thảo luật Việc làm sau hai lần bị "bác" ở Thường vụ QH lại vấp phải những ý kiến chưa đồng tình của cơ quan thẩm tra là UB Các vấn đề xã hội. Tại phiên họp sáng nay, nhiều thành viên UB phê dự án thiết kế chưa hợp lý, có một số điều khoản ngay chính cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB-XH cũng chưa ưng ý.

Ôm đồm

Một trong những điểm mới của dự thảo luật là mở rộng phạm vi, đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng: Luật nghiêng về an sinh xã hội hay chú trọng phát triển

Theo luật hiện hành, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chi trả cho loại hình DN có dùng từ 10 lao động trở lên và với người lao động có hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Trong dự án luật sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn 3 tháng trở lên.

Bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ được dành để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho ngưi lao động đang làm việc tại DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất kinh doanh. Mục tiêu thứ hai là để hỗ trợ trực tiếp luôn cho các nhân công thất nghiệp.

Nhiều ủy viên UB Các vấn đề xã hội cho rằng việc mở rộng đối tượng và các hình thức hỗ trợ quá "ôm đồm" như vậy chỉ e chính sách không khả thi.

ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Ngãi) lo lắng, đào tạo phát triển nghề khi lao động chưa mất việc không phải là chức năng chính của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, ban soạn thảo nên xem lại điều khoản này. Ông Châu cũng không tán thành việc mở quá rộng đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (sang cả khu vực lao động phi chính thức).

Ông dẫn chứng, với một số dân lao động tự do sống bằng nghề lao động dịch vụ ở các vùng biển, hầu như họ chỉ làm việc trong ba tháng cao điểm mùa hè. Thời gian còn lại họ làm thêm nghề nghiệp khác hoặc "dưỡng sức" chờ vào vụ mùa mới. "Nếu ngay cả các đối tượng làm nghề tự do như vậy cũng được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp thì liệu quỹ nhà nước có đủ chi?", ông Châu đặt câu hỏi.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng băn khoăn, có vẻ như dự án luật đang quá nặng về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp khi các điều khoản liên quan chiếm tới phân nửa dự luật.

"Như vậy tư tưởng thiết kế dự án luật việc làm có phải đang bi quan quá không? Luật đang nghiêng về an sinh xã hội hay chú trọng cho phát triển? Nếu tên luật là luật Việc làm mà lại chú trọng quá lớn vào vấn đề thất nghiệp thì có vẻ phản cảm", ông Đỗ Mạnh Hùng lên tiếng.

Một số ĐBQH khác còn bình luận, với cách thiết kế như vậy, thậm chí có thể tách được riêng một dự án luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng cũng thấy  khó

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, theo dự kiến ban đầu là giữ nguyên như luật hiện hành, không mở rộng thêm đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng rồi do có nhiều chuyên gia đề xuất nên ban soạn thảo đã tiếp thu và đưa vào dự luật.

{keywords}

"Nếu chính sách được thông qua thì đương nhiên Chính phủ cũng sẽ có cách quản lý giống như đang quản quỹ bảo hiểm tự nguyện vậy. Nhưng quả thật tôi cũng thấy đây là một điểm tương đối khó", bà Chuyền nói.

Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Cũng theo một đại diện khác của Bộ LĐ-TB-XH, bản chất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp rất tốt đẹp song không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu phải giải quyết so với khả năng đáp ứng. Trước mắt, quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ nên dùng để trả tiền cho lao động thất nghiệp thay vì ôm đồm quá nhiều như các ĐBQH đã phân tích. Ngoài ra, mục tiêu lâu dài của chính sách việc làm là phải có những định hướng lớn để nắm bắt được thông tin chính xác về thị trường lao động. Như vậy mới hoạch định được chính sách toàn diện, vĩ mô cho người lao động.

Nói như Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, mục tiêu của chính sách là phải hướng tới tìm giải pháp tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động.
  • Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng

Các tin liên quan

Lo việc làm phải lo cả thất nghiệp

Bảo hiểm việc làm: Tiền đâu mà làm?