- ASEAN sẽ cùng phối hợp với Trung Quốc tổ chức hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng nửa cuối năm nay, có thể vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Biển Đông trên bàn nghị sự cấp cao ASEAN 22 

Những vấn đề liên quan Biển Đông là một trong những nội dung nằm trên bàn nghị sự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tại hội nghị Cấp cao lần thứ 22 tại Brunei tuần tới (24-25/4).

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cấp cao ASEAN 22 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Trao đổi với báo chí tại Hà Nội sáng nay (18/4), Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho hay những vấn đề liên quan Biển Đông sẽ được đề cập: 

"Thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Tại hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo ASEAN chắc chắn sẽ phải bàn làm sao để có các biện pháp bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đây là mục tiêu rất cao.

Trong trao đổi vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, cho rằng ASEAN cần phải tiếp tục phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong Biển Đông. Có lẽ, dự kiến các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng, sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới để đạt các mục tiêu chung này như thế nào.

Tôi cho rằng những nội dung quan trọng mà ASEAN thỏa thuận cần tiếp tục phát huy, đó là phải bảo đảm các nỗ lực xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, để tiếp tục củng cố hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: HG

Phải đề cao đồng thời bảo đảm thực hiện hiệu quả những cam kết, thỏa thuận đã có liên quan đến Biển Đông. Đồng thời việc rất cấp thiết lúc này là làm sao xây dựng cho được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sớm đi vào đàm phán với Trung Quốc...".

Đàm phán COC

Xin Thứ trưởng xác nhận thêm thông tin Trung Quốc chủ động đề xuất cuộc họp đặc biệt với ASEAN để thúc đẩy tiến trình xây dựng COC?

Điều 10 của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã đề cập đến việc hai bên sẽ hướng tới tham vấn về bộ quy tắc COC. Trong 2011, ASEAN đã thấy cần thiết phải tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và chủ động đề xuất tham vấn từ 2011.

Từ tháng 11/2011, trong nội bộ ASEAN đã bàn dự kiến những nội hàm, những thành tố chính có thể đưa vào Bộ quy tắc ứng xử để bàn với Trung Quốc. Trong suốt quá trình đó, ASEAN đã chủ động thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc. Năm 2012 đã có những tham vấn không chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc cấp quan chức (SOM) về COC.

Nếu nhìn vào chiều dài đó, vấn đề COC đã được đặt ra từ điều 10 của DOC, từ 2011 đến nay, ASEAN thấy trong bối cảnh hiện nay sự cần thiết và cấp thiết phải có bộ quy tắc nên ASEAN vốn là người chủ động. Trong đó, Việt Nam đã thực hiện vai trò điều phối tham vấn không chính thức trong 2011 và 2012.

Đầu tháng 4, quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc nhóm họp tại Bắc Kinh bàn về tổng hệ quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông, đặc biệt là bàn về phương hướng tiến tới đàm phán COC. Hai bên đã thấy rằng phải tích cực tham vấn quá trình chuẩn bị để có thể sớm khởi động đàm phán chính thức.

Phải chăng các cấp tham vấn không chính thức giữa hai bên vẫn chưa cho thấy điều kiện chín muồi cả về thời gian và nội dung để khởi động chính thức, thưa ông?

Hai bên thấy rằng để bàn về Bộ quy tắc ứng xử cần thống nhất với nhau quá trình chuẩn bị, cách thức đàm phán, cách tiếp cận bộ quy tắc COC. Tại hội nghị tại Bắc Kinh vừa qua, Trung Quốc có đề xuất một loạt các hoạt động kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN.

{keywords}

Một trong những đề xuất đó là tổ chức hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc để bàn chung về quan hệ đối tác chiến lược làm sao thúc đẩy hơn nữa quan hệ.

Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa qua ở Brunei, các Bộ trưởng ASEAN đã hoan nghênh ý tưởng này và sẽ cùng phối hợp với Trung Quốc tổ chức vào nửa cuối năm, có thể vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Với ASEAN, tổng thể quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm môi trường hòa bình an ninh khu vực trong đó có vấn đề biển Đông.

Do đó, trong năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược thì cũng đồng thời thúc đẩy tất cả các lĩnh vực hợp tác đó, trong đó có việc xử lý vấn đề Biển Đông. Cái này nằm trong tổng thể quan hệ với Ttung Quốc.

ASEAN rất muốn cùng với Trung Quốc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Lập trường Việt Nam

Trong bối cảnh những diễn biến nổi lên ở Biển Đông gần đây, ông nhận định tình hình phức tạp hơn. Tại cấp cao ASEAN 22, Việt Nam có sáng kiến gì để thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực?

Với Việt Nam, quan trọng nhất là bảo đảm cho được môi trường hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Để đạt được điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, các cam kết các bên đã thống nhất, như tuyên bố 6 điểm của ASEAN, Tuyên bố DOC, tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC giữa ASEAN - Trung Quốc, đồng thời phải thực hiện cho được luật pháp quốc tế và Công ước luật biển (UNCLOS).

Trong đó có các quy định của UNCLOS về tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Đây là chúng ta đã đề xuất và chúng ta kiên trì lập trường đó. Khi anh đã có thỏa thuận, có cam kết thì anh phải thực hiện.

Trong cam kết đó, cùng với việc đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS thì đồng thời phải thực hiện kiềm chế, không làm gì phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp đồng thời đi đôi thúc đẩy xây dựng lòng tin.

Xuân Linh