- Lắng nghe kiến nghị của các trí thức trong Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (Vusta) về hoàn thiện thể chế cho phản biện, tăng biên chế, phê duyệt điều lệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho hay, sẽ lưu ý và đôn đốc các bộ ngành để sớm tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động của giới trí thức.

Nhiều tâm tư, nguyện vọng đã được đại diện giới trí thức gửi đến Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo các bộ, ngành trong buổi làm việc sáng nay (9/3) ở Hà Nội.

Mạnh ai nấy làm

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng kể, một số lãnh đạo hiệp hội các tỉnh "than" rằng ban đầu họ được nhiều sở ngành mời đến góp ý, tư vấn, phản biện cho các dự án. Nhưng rồi về sau họ không mời nữa vì các nhà khoa học đã "không nói đúng như ý muốn" của chủ dự án.

Ông Trần Ngọc Hùng (giữa) cho rằng, cần tạo cơ chế để trí thức tham gia phản biện. Ảnh: Lê Nhung
Một trong các hoạt động của Vusta là tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Nhưng quy định hiện nay chỉ nói chung chung về khuyến khích tư vấn, phản biện theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Do đây không phải yêu cầu bắt buộc nên lâu nay mạnh ai nấy làm, chưa kể các ý kiến phản biện ít khi có phản hồi.

Ông Hùng đặt câu hỏi với Thường trực Ban Bí thư: "Để phản biện không trở thành cách làm hình thức, làm cho có thì Nhà nước phải có phản hồi. Nhiều lần chúng tôi góp ý kiến nhưng không thấy phản hồi trở lại nên cũng không hiểu phản biện của mình đúng hay sai, được tiếp thu đến đâu".

Theo ông, nếu Nhà nước không tiếp thu các ý kiến phản biện, cũng nên nói rõ lý do vì sao không đồng tình, để các trí thức có thể rút được kinh nghiệm cho lần phản biện tiếp theo.

Thời gian qua, Vusta đã thể hiện trách nhiệm bằng việc luôn kịp thời lên tiếng về các chủ trương đầu tư lớn của đất nước như dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, công trình thủy điện vừa và nhỏ miền Trung... Nhưng mong muốn của các nhà khoa học là chuyện phản biện phải được thể chế hóa bằng luật pháp, với các cơ chế, chính sách về tiếp nhận ý kiến phản biện cũng như tài chính.

"Nên quy định bắt buộc những vấn đề nào cần có ý kiến phản biện, ví dụ các luật, pháp lệnh, những dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, di dân lớn hoặc tác động mạnh tới môi trường", ông Hùng đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký Hội kinh tế VN) cho rằng, các nhà khoa học và đội ngũ chuyên gia cả nước đủ năng lực phản biện các dự án lớn. Song, "người ta thích mời tư vấn nước ngoài hơn, có lẽ vì chúng tôi ít khi nói theo đúng ý muốn của nhà đầu tư", TS Nguyễn Quang Thái nói.

Chia sẻ với tâm tư này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu nói: "Các nhà trí thức bao giờ cũng có lòng tự trọng và tinh thần yêu nước rất cao, do đó, để công tác tư vấn phản biện thực sự phát huy hiệu quả, cần phải có cơ chế pháp lý rõ ràng".

Trong  báo cáo trước đó, Chủ tịch Vusta Đặng Vũ Minh thừa nhận, Liên hiệp hội chưa tổ chức được nhiều hoạt động lớn, chưa nâng cao được hình ảnh và uy tín để được các cơ quan chức năng tin tưởng giao thực hiện các chương trình, dự án lớn.

Tuy nhiên, chính vì các hoạt động tư vấn, phản biện chưa thực sự hiệu quả đã làm niềm tin trong giới trí thức vơi nhạt.

Theo ông Minh, đại bộ phận trí thức lớn tuổi giàu lòng yêu nước, được rèn luyện trong chiến tranh vẫn kiên định lập trường, luôn gắn bó với sự nghiệp của Đảng. Nhưng trong bối cảnh phức tạp hiện nay, một bộ phận không nhỏ trí thức trẻ, trí thức hoạt động trong khu vực ngoài nhà nước lo lắng, mất niềm tin.

Trí thức cần chủ động hơn

Đại diện nhiều bộ ngành cũng thừa nhận, nếu các đề án hoạt động và điều lệ của Liên hiệp hội sớm được thông qua thì giới trí thức sẽ có thêm công cụ và môi trường để hoạt động hiệu quả hơn.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (trái): Các nhà khoa học cần chủ động hơn nữa. Ảnh: Lê Nhung
Nhưng tình trạng trì trệ của bộ máy công quyền đã "cản đường" không ít cơ chế, chính sách cho giới trí thức. Chẳng hạn, Đại hội của Vusta diễn ra gần một năm song điều lệ vẫn chưa được phê duyệt. Nhiều đề án về thu hút trí thức Việt kiều, về kiện toàn tổ chức Vusta... dự kiến phê duyệt vào quý II/2011 nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Thạo nói thêm, ngay cả Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức ban hành 3 năm nay, với 7 đề án cần làm, nhưng đến nay mới thông qua một đề án, còn lại hầu như án binh bất động.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho hay, điểm nghẽn vẫn là do bộ máy hành chính còn ì ạch, năng lực của nhiều cán bộ trong bộ máy công quyền vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, ông Trương Tấn Sang cũng như đại diện các cơ quan tham mưu (Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chính phủ) kêu gọi các trí thức phải có tinh thần chủ động hơn nữa trong thúc đẩy, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan sát sườn đến quyền lợi của mình. Nhất là trong bối cảnh nhiều công việc hiện nay vừa chạy vừa xếp hàng.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ, đóng góp của giới làm khoa học chưa được nhiều. Đảng, Nhà nước luôn chủ trương lắng nghe phản biện, đóng góp của giới trí thức thông qua nhiều kênh khác nhau, điển hình là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, song các bài viết, ý kiến gửi đến những diễn đàn này còn chưa nhiều.

Dẫn ví dụ một tổ chức hiệp hội khác về xã hội nhân văn đã chủ động, ráo riết để buộc các bộ, ngành thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách cho lĩnh vực của mình, ông Trương Tấn Sang cũng đồng thời cam kết từ nay đến hết năm 2011, mỗi tháng sẽ thu xếp một buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan cùng nhau nghe báo cáo tiến độ công việc và gỡ các điểm vướng.

"Ông Đặng Vũ Minh cho rằng các trí thức trẻ đang lo lắng, mất niềm tin. Nhưng nếu chúng ta giải quyết tốt các vướng mắc ở trên thì sẽ nhanh chóng khôi phục được niềm tin và tạo điều kiện hoạt động thực chất cho giới trí thức", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Lê Nhung