Đội ngũ kinh doanh tinh hoa toàn cầu đổ xô đến Diễn đàn Bác Ngao và mê mẩn với lời hứa tăng trưởng, thịnh vượng mà chủ tịch Trung Quốc đưa ra. Nhưng khi trở về nhà, họ có thể chẳng hiểu nổi nước chủ nhà sẽ làm gì tiếp theo.

Diễn đàn Bác Ngao - nơi có khoảng 10 vị lãnh đạo thế giới với 1.000 doanh nhân tháp tùng, diễn ra ở đảo Hải Nam. Chủ trì là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã nuôi hy vọng cho những người tham dự với một tầm nhìn tuyệt vời cho sự thịnh vượng sắp tới.

{keywords}
Diễn đàn Bác Ngao. Ảnh: thegatesnotes

Ông hứa, thu nhập trung bình của người Trung Quốc năm 2020 sẽ gấp đôi năm 2010. Và chỉ trong 5 năm, Trung Quốc sẽ mua gấp năm lần giá trị hàng hóa thế giới so với hiện tại.

Đó là một viễn cảnh lung linh và đầy "trêu ngươi". Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, đang mua khối lượng hàng hóa giá trị khổng lồ 1,8 nghìn tỉ USD mỗi năm từ thị trường toàn cầu. Giờ đây, họ còn hứa hẹn gia tăng nhu cầu nhập khẩu lên tới 10 nghìn tỉ USD/năm. Nghĩa là nếu dựa trên tổng lượng thương mại toàn cầu hiện nay, nó sẽ tương đương với 2/3 tổng lượng hàng hóa xuất khẩu từ tất cả các nước khác trên thế giới gộp lại.

Khi một nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn tăng trưởng, thịnh vượng thì thế giới dõi theo ông rất nghiêm túc. Hơn thế nữa, ông Tập còn nhắc lại cam kết phát triển hòa bình, và Bắc Kinh sẽ "bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các công ty đầu tư nước ngoài phù hợp với khuôn khổ luật pháp". Đây đúng là những điệu nhạc du dương với giới đầu tư nước ngoài.

"Trung Quốc sẽ không bao giờ đóng cửa với thế giới bên ngoài", ông Tập Cận Bình tuyên bố.

Thế nhưng, khi các doanh nhân phương Tây trên đường trở về nhà, với hy vọng và lạc quan, thì ông Tập Cận Bình lại có một chuyến thăm khác tới đảo Hải Nam. Đó là căn cứ hải quân mới lớn nhất của Trung Quốc gồm cả một cảng ngầm che chở cho đội tàu ngầm của Bắc Kinh khỏi các vệ tinh do thám, thậm chí là tên lửa của Mỹ.

Thách thức ưu thế

Căn cứ ấy là biểu tượng và thực tế minh chứng cho sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc nhằm thách thức ưu thế của Mỹ trên các vùng biển. Truyền thông Trung Quốc dồn dập đưa tin về việc ông Tập đi thị sát hạm đội. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một cơ sở quân sự kể từ khi chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch Trung Quốc.

"Ông Tập Cận Bình đã có nhiều lần khẳng định bản thân gắn liền với chủ nghĩa dân tộc", chuyên gia lâu năm về Trung Quốc David Shambaugh, giám đốc Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington nói. Trong vòng một tuần trở thành lãnh đạo, ông Tập đã dẫn đầu ban Thường vụ Bộ chính trị đi thăm một triển lãm ở bảo tàng về "trăm năm xấu hổ và nhục nhã của Trung Quốc dưới tay các đế quốc phương Tây và Nhật Bản".

"Với động thái này và những bài phát biểu", Shambaugh phân tích, "ông Tập đã rõ ràng gắn liền bản thân với chủ nghĩa dân tộc và thực hiện nhiều cách khác để báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại cũng như an ninh quốc gia".

Hầu như trong phát biểu nào ở những chuyến thị sát quân đội kể từ tháng 11 năm ngoái (khi ông Tập được bầu làm Tổng bí thư), ông đều thúc giục quân đội "sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng".

Shambaugh nhấn mạnh: "Cá nhân ông Tập còn trực tiếp đứng đầu một nhóm lãnh đạo hàng hải, đặt ông vào vị trí trung tâm của lập trường cứng rắn Trung Quốc" trong các tranh chấp hàng hải với Nhật cũng như một số nước Đông Nam Á. "Mọi động thái ấy thể hiện sự mạnh mẽ hơn, quả quyết hơn và chủ nghĩa dân tộc hơn để tạo tiếng vang với người dân cũng như quân đội Trung Quốc".

Dĩ nhiên, Mỹ không đứng thụ động quan sát. Họ hướng tới một kết quả tốt hơn trong quan hệ hai bên nhưng vẫn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một cuộc chiến tranh chiến lược được thiết kế để đối phó với sức mạnh trỗi dậy từ quân đội Trung Quốc.

Chiến lược ấy khi công khai chút ít gọi là khái niệm Tác chiến Không Hải. Chiến lược bao gồm việc sử dụng các máy bay ném bom và tàu ngầm để đánh bại hệ thống rađa giám sát tầm xa và làm chệch hướng độ chính xác của hệ thống tên lửa. Cho tới khi quân đội đối phương “bị bịt mắt”, thì một cuộc tấn công hải quân và không quân lớn sẽ xảy ra. 

Quan trọng hơn là chiến lược ấy dựa trên giả định leo thang có thể được kiềm chế ở dưới ngưỡng hạt nhân. Chiến lược ấy có thể ngăn chặn ý muốn xâm lược của người Trung Quốc nhưng cùng lúc đó lại phải đối mặt với các thách thức từ khả năng leo thang hạt nhân. Nghĩa là Trung Quốc có thể cảm nhận được nỗ lực và sự tấn công của Mỹ nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân của họ. Từ đó, Bắc Kinh không loại trừ xem xét chuyện phủ đầu hạt nhân.

Sức mạnh mới của Trung Quốc xem ra mang lại những cơ hội to lớn nhưng nguy cơ cũng thật đáng sợ.

Thái An (theo Sydney Morning Herald)