- "Mô hình Tòa án Hiến pháp về lâu dài tỏ ra thích hợp hơn. Vì thế nếu chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp thì cũng chỉ nên coi là một bước quá độ", ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi nói.

Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng nay đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tập chuyên khảo về mô hình Hội đồng Hiến pháp của một số nước trên thế giới. Tài liệu này sẽ được hoàn thiện để gửi tới các đại biểu QH - những người sthảo luận vbản Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp sắp tới.

"Sự chọn lựa chính trị an toàn"

TS Đặng Minh Tuấn, người tham gia biên soạn cuốn chuyên khảo cho hay, Hội đồng Hiến pháp không phải là mô hình phổ biến. Hiện chỉ có khoảng 8% số nước trên thế giới duy trì thiết chế bảo hiến theo mô hình này, chủ yếu là các nước đang phát triển.

{keywords}
Kỳ họp QH sắp tới sẽ dành hai ngày thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Tuấn phân tích, các quốc gia thiết lập Hội đồng Hiến pháp đều có truyền thống bảo hiến rất muộn. "Hầu hết đều trải qua những thời  kỳ kém dân chủ và pháp quyền, bối cảnh chính trị không tạo ra nhu cầu cần thiết về một cơ quan bảo hiến", ông Tuấn nói.

Chính vì vậy, Hội đồng Hiến pháp là một chọn lựa chính trị an toàn cho các nhà lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi chính trị chưa tạo ra đủ điều kiện đ ra đời Tòa án Hiến pháp. "Bởi vì họ có thể can thiệp dễ dàng hơn vào tổ chức và hoạt động của cơ quan này. Thành lập Hội đồng Hiến pháp giúp các nước về danh nghĩa vẫn có một cơ quan bảo hiến nhưng dễ điều khiển và kiểm soát nó", TS Đặng Minh Tuấn lý giải.

Nhóm chuyên gia cũng nhận định, Hội đồng Hiến pháp ở các nước thường mang nhiều tính chất chính trị hơn là tính chất tư pháp. Đây vừa là diễn đàn hòa giải, thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị của các quốc gia, vừa có ít nhiều quyền tài phán để giải quyết các tranh chấp hiến pháp. Với tính chất chính trị, cơ quan này khó lòng đưa ra phán quyết dứt điểm cuối cùng về các vụ việc vi hiến.

Chỉ là bước quá độ

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra một xu hướng chung: Hiến pháp các nước đã và đang có những cải cách chuyển Hội đồng Hiến pháp từ cơ quan có nhiều tính chất chính trị sang cơ quan tài phán. Những cải cách này nhằm nâng cao thẩm quyền và tính độc lập. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam cũng được xem là lựa chọn mang tính đặc thù.

ĐB Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH) phát biểu, "Hội đồng Hiến pháp chỉ có sứ mạng mang tính chính trị để chống lại sự lạm quyền của các nhánh quyền lực. Bởi vậy lựa chọn mô hình nào cũng phải căn cứ các yếu tố về thể chế và tập quán chính trị". Ông Vân cũng lưu ý mô hình tổ chức quyền lực hiện nay, với sự thống nhất ý chí chính trị từ trên xuống dưới, quyền lực cũng tương đối tập trung...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền góp thêm "các ý kiến càng giúp tôi củng cố niềm tin và lập luận rằng khi ra trước QH tôi sẽ bác mô hình Hội đồng Hiến pháp, nhất là khi nó chỉ thiên về yếu tố chính trị".

Nhiều vị đại biểu cho rằng cần làm rõ lý do vì sao chúng ta lựa chọn đi theo một mô hình chỉ chiếm thiểu số trên thế giới, đồng thời tính tới các bước cải cách tiếp theo ở Việt Nam để xây dựng một cơ chế bảo hiến hữu hiệu.

Ông Đào Trí Úc (Chủ tịch Hội đồng ngành Luật học, khoa Luật ĐH Quốc gia HN) lưu ý, cần làm rõ cái đích cuối cùng của mô hình bảo hiến sẽ là gì, bởi hầu hết các nước khi đi theo mô hình này đều đã phải có các bước chuyển mình để thay đổi.  "Ta không nên lúc nào cũng chỉ vin vào lý do điều kiện đặc thù. Ở thế kỷ trước nói đến chuyện đặc thù thì còn được, chứ bây giờ mà cứ vin mãi chuyện đặc thù là sẽ trở thành lạc hậu", ông Đào Trí Úc nói.

Đáp lại những băn khoăn trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng ban Biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi khẳng định "các nhà khoa học cũng đã lưu ý mô hình Tòa án Hiến pháp về lâu dài tỏ ra thích hợp hơn mô hình Hội đồng Hiến pháp. Vì thế nếu chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp thì cũng chỉ nên coi là một bước quá độ".

Theo ông Phúc, bản dự thảo sau khi được tiếp thu ý kiến người dân hiện đang được trình tại Hội nghị BCH Trung ương 7. Sau đó, ban biên tập cũng sẽ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình tại kỳ họp QH sắp tới, do đó các ý kiến tranh luận về mọi vấn đề vẫn đang để mở.

Lê Nhung