Khi vụ bế tắc biên giới kéo dài gần một tháng ở khu vực xa xôi thuộc dãy Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ vừa chấm dứt, thì hai người khổng lồ ở châu Á này vẫn còn cạnh tranh mạnh mẽ phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.

Tại sao TQ 'hòa' với Ấn Độ?

'Phép thử' xuyên biên giới Trung-Ấn

Từ châu Phi tới Bắc Cực, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang tranh giành ảnh hưởng trong việc tìm kiếm nguồn tài nguyên cũng như các thị trường mới. Sự cạnh tranh ấy lan sang cả ngoại giao toàn cầu và các tổ chức quốc tế mà Bắc Kinh cũng như New Delhi có liên quan thông qua các khoản cho vay phát triển, thậm chí là cả việc một chiếc ghế cho Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an LHQ.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Sự cạnh tranh kể trên có thể thấy rõ ràng trong việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia như Ghana - nước giàu tài nguyên và khoáng sản như vàng, gỗ và cũng là nhà sản xuất dầu mới nổi. Chính phủ Ghana vừa có một dinh tổng thống mới do Ấn Độ hỗ trợ tài chính hồi tháng 2 thì một tháng sau đó, Trung Quốc chuyển giao tòa nhà bộ ngoại giao cho Ghana.

Một cuộc đụng độ lớn giữa hai nước là điều khó xảy ra. Nhưng trên vũ đài toàn cầu, tranh cãi có thể khiến các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và LHQ trở nên kém hiệu quả hơn. Nó cũng tác động không nhỏ trong việc hoạch định hoạt động thương mại, giao dịch vào ngoại giao toàn cầu cũng như các chính sách có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thế giới.

Lợi ích lớn

“Họ vươn khắp nơi thông qua cơ cấu toàn cầu này", Ashwin Kaja, một luật sư người Mỹ đứng đầu ý tưởng thành lập viện nghiên cứu Trung - Ấn tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh và Đại học Jindal ở Sonipat, Ấn Độ nói. “Nếu cuộc chiến bắt đầu, nguy cơ sẽ trở nên ngày càng lớn hơn khi ảnh hưởng của họ tăng lên. Họ chiếm 1/3 dân số nhân loại, con số không hề nhỏ".

Mặc dù hai nước đã từng chia sẻ tầm nhìn chung trong cuộc gặp lãnh đạo các nước đang phát triển thời những năm 1950, nhưng chiến tranh biên giới nổ ra năm 1962 vẫn phủ bóng quan hệ song phương từ đó tới nay. Cuộc bế tắc gần đây bắt đầu ngày 15/4 khi 50 lính Trung Quốc dựng trại ở khu vực mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền tại dãy Himalaya.

Hồi đầu tuần, Bắc Kinh và New Delhi đã thông báo chấm dứt ba tuần bế tắc, chấp thuận rút quân trước khi bất đồng đe dọa ảnh hưởng tới các cuộc gặp cấp cao sắp tới. Chính phủ hai nước công khai đưa ra những mặt tốt nhất trong quan hệ ngoại giao, những lợi ích trong giao thương và hợp tác. Ngoại trưởng Ấn Độ đã tới Bắc Kinh hôm thứ năm để chuẩn bị cho chuyến thăm New Delhi diễn ra cuối tháng này của ông Lý Khắc Cường - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ở cương vị thủ tướng Trung Quốc.

Không nước nào muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ giao thương đang bùng nổ. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ năm 2011 khi thương mại hai chiều đạt gần 75 t USD, tăng so với 5 tỉ USD năm 2002. Con số này sụt giảm đôi chút trong năm ngoái giữa bối cảnh suy thoái toàn cầu, và hầu như thiên về lợi thế Trung Quốc. Vào tháng tới, Trung Quốc sẽ tổ chức hội chợ thương mại Nam Á lần đầu tiên nhằm thu hút các công ty từ Ấn Độ và nhiều nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, sự hoài nghi giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á này vẫn còn rất cao. Trung Quốc là đồng minh lâu năm và là nhà cung cấp vũ khí cho Pakistan, đối thủ của Ấn Độ. Bắc Kinh còn đang xúc tiến xây dựng quan hệ chặt chẽ với Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, khiến cho Ấn Độ cảm thấy như bị bao vây. Trung Quốc thì cũng chú ý tới mối quan hệ ngày một gia tăng giữa Ấn Độ và Mỹ.

Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Brahmaputra làm dấy lên mối quan ngại ở Ấn Độ rằng, một ngày nào đó, Bắc Kinh có thể làm sụt giảm hay thậm chí gây ra cuộc khủng hoảng nước. Cuộc tranh cãi lãnh thổ tại Arunachal Pradesh khiến Bắc Kinh vào năm 2009 đã cố gắng phong tỏa một khoản vay của Ấn Độ từ Ngân hàng Phát triển châu Á cho dự án kiểm soát lũ lụt.

Bất an nhiều

Năm 2011, Trung Quốc tỏ ý bất mãn khi công ty dầu khí Ấn Độ Oil and Natural Gas Corp. thỏa thuận với Việt Nam trong thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển này bất chấp sự chồng lấn với nhiều nước khác. “Không bao giờ có thể tránh được đụng độ", Kaja nói.

Cuộc cạnh tranh Trung - Ấn còn vượt ra ngoài những nước lân cận.

Cả hai đang đẩy mạnh nỗ lực để có được chỗ đứng tại Bắc Cực, nơi có nhiều tiềm năng vận chuyển, khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc và Ấn Độ cùng một số nước châu Á và EU, đã đệ đơn làm quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực. “Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có cơ sở để tuyên bố là quốc gia Bắc Cực, nhưng cuộc chạy đua tìm kiếm khoáng sản, tài nguyên khiến chúng tôi lo ngại sẽ bị tụt hậu nếu không có phần ở khu vực xa xôi này", Sreeram Chaulia, thuộc trường Ngoại giao Đại học Jindal nói.

Hai nước đã tăng cường nâng cao năng lực hải quân để khuếch trương ảnh hưởng, và sự hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương được cho là sẽ gia tăng. Theo David Shinn, cựu đại sứ Mỹ ở châu Phi, hải quân Trung Quốc sẽ thăm viếng thường xuyên hơn các thành phố cảng khắp Ấn Độ Dương - tại Nam Á, nam Trung Đông và bờ biển phía đông châu Phi - trong vòng 10 năm tới, đồng thời mở rộng tầm với tới các cảng Bắc Phi thông qua biển Địa Trung Hải.

“Ấn Độ sẽ lo lắng việc Trung Quốc tăng cường hiện diện hải quân ở phía tây Ấn Độ Dương - địa hạt trước nay thuộc về họ. Họ chấp nhận sự hiện diện của Mỹ nhưng không bao giờ coi Mỹ là đối thủ", ông Shinn giờ là người dạy về quan hệ quốc tế ở Đại học George Washington giải thích

Sự hiện diện nhiều hơn của Trung Quốc "sẽ khiến Ấn Độ đảm bảo mối quan hệ quân sự, đặc biệt về hải quân, với mọi quốc gia ở tây Ấn Độ Dương và dọc theo bờ biển đông châu Phi", ông nhấn mạnh. Trong bế tắc biên giới gần đây, không bên nào muốn đẩy mạnh diễn biến. “Họ chỉ canh chừng nhau. Nên tôi cho rằng đây là phép ẩn dụ cho mối quan hệ song phương", Chaulia nói. “Không thể nói Ấn Độ và Trung Quốc có thể là anh em đồng chí. Chỉ là chúng tôi có thể quản lý các vấn đề".

Thái An (theo Washington Post)