- Phó Thủ tướng sẽ cùng ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 6 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh.

>> Năng lượng và tham vọng hải quân TQ

>> Đội tàu cá TQ ào ra Trường Sa của Việt Nam

Thông tin về cuộc họp do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay 9/5 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (phía Việt Nam). Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (phía Trung Quốc).

{keywords}

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng

Cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban trên diễn ra từ 2011. Lần họp tiếp theo tại Bắc Kinh sắp tới, theo ông Nghị, kéo dài từ 10 đến 12/5 tại Bắc Kinh.

Hai bên sẽ kiểm điểm tình hình hợp tác từ phiên họp lần thứ 5, tháng 9/2011 và trao đổi phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chính trị và hợp tác hai Đảng, hai nước, thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác giữa các bộ, ban ngành của hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trao đổi thêm với VietNamNet về các vấn đề liên quan Biển Đông được đề cập trong cuộc họp trên, ông Lương Thanh Nghị cho hay: Duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC) là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực.

“Đây cũng là cơ sở để hai bên trao đổi về vấn đề Biển Đông trong cuộc họp lần này” - ông Nghị khẳng định.

Cũng trong cuộc họp báo, phóng viên tờ Nông thôn ngày nay đặt câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc cho một đội 32 tàu cá tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận: “Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề này”.

Dù đoàn tàu cá trên vẫn đang trên đường đi, tuy nhiên, đề cập quan điểm chung của Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước liên quan.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, mọi hoạt động của các bên ở khu vực này không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Mạng Tin tức Trung Quốc mới đây đưa tin đội tàu đánh cá Đam Châu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) gồm 32 chiếc sáng 6/5 đã xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản trong khoảng 40 ngày.

Trong diễn biến mới nhất, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết 7/32 chiếc tàu cá trong đội tàu cá đánh bắt trái phép ở Trường Sa gặp sự cố tốc độ khi trên đường di chuyển. Những tàu này không thể theo kịp tốc độ chung do làm bằng gỗ nên không chạy nhanh được.

CCTV cho hay, lịch trình dự kiến 4 ngày từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến khu vực Trường Sa sẽ phải thay đổi thành 10 ngày. Khoảng cách từ Hải Nam đến khu vực Trường Sa là 900 hải lý.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng xua đội tàu 30 chiếc đến đánh bắt ở Trường Sa nhưng gần như không thu hoạch được gì.

Linh Thư