- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân khẳng định các dự án bôxit Tây Nguyên đang triển khai đều đạt hiệu quả kinh tế.
Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Bộ Công thương sáng 9/5 tổ chức hội thảo "Bôxit Tây Nguyên: thực trạng, định hướng và kiến nghị". Hoạt động này khởi động cho việc đánh giá việc thí điểm xây dựng các nhà máy khai thác bôxit tại Tây Nguyên, trong bối cảnh dự án Tân Rai đã cơ bản xong, Nhân Cơ thì đã đi được nửa chặng đường.
Đạt hiệu quả kinh tế
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trong lời khai mạc đã nhắc lại, kể từ sau cuộc hội thảo 4 năm về trước, đây là lần đầu tiên VUSTA tổ chức một cuộc hội thảo về khai thác bôxit.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ, thời gian qua, dư luận xã hội và các nhà khoa học hết sức lo ngại về hiệu quả kinh tế của hai dự án nói trên và đây cũng là nỗi lo chính đáng. "Chúng tôi mất ngủ vì dự án này", ông Quân nói.
Theo ông Quân, nếu áp cách tính toán giá thành ở thời điểm hiện tại thì dự kiến thời gian thu hồi vốn của dự án Tân Rai mất 12 năm, Nhân Cơ khoảng 13 năm. "Xin khẳng định, hai dự án này có hiệu quả kinh tế. Rõ ràng đề xuất dừng dự án là không thực tế", ông Quân cho hay.
Ông Quân giải thích thêm, nếu tính toán thực tế không hiệu quả và hai dự này là gánh nặng cho tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì sẽ phải dừng nhưng kết quả cho thấy điều ngược lại, thậm chí đây là các dự án có ý nghĩa với sự phát triển của ngành công nghiệp nhôm sau này.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương). Ảnh: Dân Trí |
Đặc biệt, quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác chế biến bôxit đến năm 2020 có dự báo đến 2030 đã được lập trong vòng 2 năm trải qua nhiều cuộc hội thảo, sử dụng các chuyện gia trong và ngoài nước. Chính phủ chỉ đạo từ nay đến năm 2015, chỉ có hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ là thử nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện. Đến 2020, trên kết quả thử nghiệm của hai dự án này, nếu có hiệu quả và điều kiện vận tải, cơ sở hạ tầng cho phép thì sẽ nhân đôi hai dự án này lên. Sau 2020 nếu có đường sắt, kết quả thử nghiệm tốt thì sẽ đầu tư các dự án có quy mô lớn 2-3 triệu tấn/năm."Chúng tôi sẽ hoàn thiện theo hướng này sau đó sẽ trình cả Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo rồi Thủ tướng mới xem xét phê duyệt", ông Quân nói.
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến điểm nghẽn hiện nay là bài toán giao thông. Ông Nguyễn Mạnh Quân giải thích, đầu tư đường sắt có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì nguồn vốn nhà nước chưa thể bố trí kịp, kêu gọi xã hội hóa thì không khả thi.
"Chúng tôi hy vọng sau này có thể mời nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Nhưng cũng dự kiến sau năm 2020 mới bắt tay vào thực hiện", ông Quân giải thích.
Đánh giá chính xác
Theo phân tích của các nhà khoa học, đến thời điểm hiện nay khi các dự án đã gần hoàn tất thì bài toán đặt ra là đánh giá lại quá trình thử nghiệm để tính toán các bước tiếp theo. Muốn như vậy, mọi thông số phải thực sự khách quan, khoa học.
Nói như ông Nguyễn Trung, ý nghĩa của quá trình thử nghiệm chính là để có được nhiều thông tin chính xác, cơ bản nhất phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá.
"Bộ Chính trị đã kết luận là cho phép làm thí điểm. Vì vậy khi tổng kết phải đi tìm số liệu chính xác, đứng trên cơ sở lợi ích của dân của nước. Như vậy mới có căn cứ để báo cáo chính thức với Bộ Chính trị sắp tới", ông Trung nói.
Báo cáo của TKV về tiến độ dự án Tân Rai (Lâm Đồng) cho hay tính đến hết tháng 3, tổng giá trị toàn bộ dự án đã thực hiện đạt khoảng 11.620 tỷ đồng. Theo tiến độ hợp đồng của hai gói thầu EPC thì tiến độ nhà máy tuyển chậm hơn 1,5 năm và nhà máy alumin chậm 2,5 năm. Với dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), tổng mức đầu tư lên tới 14.889 tỷ đồng. |
- Lê Nhung